Trích đăng bài phát biểu của Tổng bí thư:
Trong những năm tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Đất nước ta đứng trước những thuận lợi, thời cơ lớn và cả những khó khăn, thách thức không nhỏ. Kinh tế thế giới tuy có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn tiềm ẩn những yếu tố mất ổn định; hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế lớn, chiến tranh thế giới khó có khả năng xảy ra, nhưng nguy cơ các cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp biên giới, lãnh thổ, biển đảo, tài nguyên và khủng bố vẫn gia tăng. Tình hình kinh tế, chính trị của một số nước ở khu vực châu Á, Đông Nam Á có những diễn biến phức tạp...
Đối với nước ta, mục tiêu xuyên suốt, nhất quán của các thế lực thù địch là tìm mọi cách xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta, đưa Việt Nam đi theo ý đồ, quỹ đạo của họ.
Thủ đoạn của họ là tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, tăng cường sử dụng các biện pháp “tấn công mềm”, tập trung làm chuyển biến về chính trị tư tưởng, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ trong nội bộ ta; kích động, chia rẽ, thực hiện âm mưu phi chính trị hóa quân đội; hạ thấp, phủ nhận vai trò, uy tín lãnh đạo của Đảng; xóa bỏ mục tiêu, lý tưởng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu trong ngày làm việc thứ hai của Đại hội (22/9). Ảnh: TTXVN. |
Tình hình trên tác động trực tiếp, sâu sắc đến quá trình thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo, cảnh giác, không ngừng chăm lo, củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng Quân đội; kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, Đảng ta chủ trương phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc và bảo vệ nền văn hóa dân tộc; củng cố quốc phòng, giữ vững môi trường hòa bình, an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đây là một nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân ta, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt.
Những chủ trương, quan điểm trên đây đã được Quân ủy Trung ương quán triệt, cụ thể hóa, đề xuất rõ phương hướng, mục tiêu chung, 6 nhiệm vụ và 5 nhóm chủ trương, giải pháp chủ yếu trong Báo cáo chính trị trình Đại hội. Đề nghị Đại hội thảo luận làm rõ, bổ sung, hoàn thiện để đi đến thống nhất thành Nghị quyết của Đại hội. Tôi nhấn mạnh và lưu ý thêm mấy vấn đề sau:
Một là, Đảng bộ Quân đội và toàn quân cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện thắng lợi đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quân sự quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
Ngay sau Đại hội Đảng bộ Quân đội và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Quân ủy Trung ương cần khẩn trương xây dựng các Kế hoạch, chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội. Cần tập trung làm tốt công tác nghiên cứu chiến lược, tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, cơ chế, chính sách và pháp luật về quân sự, quốc phòng.
Nghiên cứu xây dựng Chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự và một số Đề án bảo đảm quốc phòng ở các vùng chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, biên giới, biển đảo. Nâng cao chất lượng nắm, dự báo, đánh giá đúng tình hình; kịp thời tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng và các địa phương, chủ động ngăn chặn và xử lý kiên quyết, khôn khéo các tình huống phức tạp, không để bị động bất ngờ.
Hai là, thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Tập trung xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, kiên định Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào Quân đội cũng phải tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với quân đội; củng cố và phát triển mối quan hệ máu thịt giữa Quân đội với Nhân dân.
Chủ động, nhạy bén đấu tranh với các quan điểm, nhận thức sai trái, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội, góp phần làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động phòng, chống có hiệu quả “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa quân đội”. Tuyệt đối không được mơ hồ, chủ quan, mất cảnh giác.
Sớm xây dựng và triển khai Đề án “Điều chỉnh tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2021” theo hướng tinh, gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và Đề án “Bảo đảm vũ khí, trang bị cho Lục quân đến năm 2020 và những năm tiếp theo” theo hướng hiện đại hóa.
Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương hiện đại hóa Hải quân, Phòng không - Không quân, Tác chiến điện tử, Trinh sát kỹ thuật và Cảnh sát biển. Không ngừng tăng cường thực lực cho các lực lượng để đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển khoa học nghệ thuật quân sự; trình độ chính quy, chấp hành kỷ luật; nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của Quân đội.
Ba là, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền các địa phương củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn, trên từng hướng chiến lược; chú trọng thế trận biển, đảo, biên giới, giữ vững thế chủ động trong mọi tình huống.
Tập trung xây dựng khu vực phòng thủ các tỉnh, thành phố vững chắc; kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; giữa quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Đổi mới công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cho các đối tượng; coi trọng đào tạo cán bộ quân sự cho cơ sở xã, phường, thị trấn và xây dựng lực lượng dân quân tự vệ.
Phát huy vai trò của Quân đội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở các vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng có nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, nhất là ở trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm.
Bốn là, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị khóa XI về ”Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; tập trung vào các chương trình, dự án trọng điểm, từng bước xây dựng nền công nghiệp quốc phòng độc lập, tự chủ, hiện đại; xây dựng tiềm lực công nghiệp quốc phòng ngày càng mạnh, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật theo yêu cầu phòng thủ, tác chiến trong điều kiện mới.
Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng. Đây cũng cần được xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu của quân đội trong quá trình thực hiện chủ trương chiến lược hội nhập quốc tế của Đảng ta.
Thực hiện tốt các hoạt động đối ngoại song phương, đa phương, tạo thế đan xen lợi ích; ưu tiên quan hệ hợp tác toàn diện, ổn định, vững chắc với Lào, Campuchia, Trung Quốc, các nước ASEAN, các nước lớn và các nước bạn bè truyền thống. Tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc phù hợp với điều kiện Việt Nam và Quân đội ta. Phát huy tốt hiệu quả hoạt động phối hợp giữa Quân đội, Công an và đối ngoại.
Năm là, tiếp tục xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ và toàn quân.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chú trọng xây dựng các tổ chức đảng trong toàn quân, nhất là tổ chức cơ sở đảng thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo; xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng về lãnh đạo công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có số lượng và cơ cấu hợp lý, chất lượng chính trị cao, kiến thức, năng lực toàn diện; thực hiện tốt quy hoạch cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý các cấp, bảo đảm sự kế thừa, phát triển vững chắc; có chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo vệ chính trị nội bộ, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng.
Phát biểu khai mạc đại hội, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Phó Bí thư Quân ủy T.Ư, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nêu rõ: 5 năm qua, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong toàn Đảng bộ Quân đội có chuyển biến tốt; giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội.
Chất lượng tổng hợp, trình độ chính quy, sức mạnh chiến đấu và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội từng bước được nâng lên. Thực hiện tốt chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất; thực sự là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn kết chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc...