Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hành trình 4 năm đòi lại con sau khi ly hôn

"Chồng cũ không chăm sóc nhưng cũng không trả con cho tôi, dù tòa án tuyên cháu được ở với mẹ. Tôi mất 4 năm mà chưa thể đòi lại con", chị T. kể về khó khăn sau khi ly hôn.

Câu chuyện trên được chị T. (trú tại Hà Nội) chia sẻ tại hội thảo "Trẻ em trong thi hành án ly hôn: Thực trạng và giải pháp", vừa được Viện Nghiên cứu Truyền thông và Phát triển tổ chức. Từ sự việc bé gái 8 tuổi ở TP.HCM bị người tình của bố bạo hành đến tử vong và không được gặp mẹ trong suốt thời gian dài, vấn đề đảm bảo quyền chăm sóc, thăm nom trẻ sau khi cha mẹ ly hôn một lần nữa được đặt ra.

Trải qua cuộc ly hôn với chồng cũ, chị T. cũng trải lòng về không ít khó khăn khi giành quyền nuôi con.

Chưa thể "đòi lại con" sau 4 năm ly hôn

“4 năm trước, tôi và chồng ly hôn, tòa tuyên tôi được quyền nuôi con. Nhưng ngay khi cháu vừa được 16 tháng tuổi, chồng cũ qua nhà trẻ đón con đi mất, mang về quê ở Thanh Hóa và để cháu ở đó cho bà nội nuôi”, người phụ nữ bắt đầu câu chuyện.

Kể từ đó, chị bước vào hành trình 4 năm đi “đòi” lại con. Người chồng cũ mặc dù đã có người yêu mới và để con ở quê cho bà nội chăm, vẫn cương quyết không trao lại con cho chị.

Về phía mình, chị T. đã gửi đơn lên tòa án ở cả Hà Nội, Thanh Hóa và yêu cầu xem xét lại việc chồng cũ vi phạm thi hành án sau ly hôn, nhưng hành trình giành lại quyền nuôi con của chị vẫn chưa có kết quả. Cả gia đình nhà nội cũng "hợp sức" để giúp chồng cũ của chị giữ lại con.

“Nếu anh ấy giành quyền nuôi con và mang con về chăm sóc thì tôi không ý kiến gì, nhưng rồi lại để con ở quê cho bà nội nuôi còn bản thân lên Hà Nội ở với người yêu mới. Tôi không thể chấp nhận được việc này và phải đòi lại con bằng được”, chị T. chia sẻ.

Đến tháng 10/2021, vụ việc của chị được TAND quận Đống Đa thụ lý nhưng sau đó, chị không thể gặp được chấp hành viên để giải quyết. Hành trình đòi lại con của chị bị chững lại mà không có tiến triển gì cho đến nay.

nuoi con sau khi cha me ly hon anh 1

Trong vụ việc bé V.A. bị người tình của bố bạo hành đến tử vong, bé đã không được gặp mẹ trong thời gian dài do bị người bố ngăn cản. Ảnh: A.H.

Luật sư Lê Xuân Hòa (Công ty Luật Trường Lộc) cho biết trường hợp như chị T. không phải hiếm. Trong quá trình xử lý các vụ việc ly hôn, cơ quan thi hành án dân sự gặp nhiều tình huống vượt quá thẩm quyền giải quyết, trong đó có việc vợ hoặc chồng không chấp hành và thực thi quyền nuôi con mà tòa án đã đưa ra.

“Nhiều trường hợp, người bố hoặc mẹ sẽ 'giành' lại con bằng cách tự ý đón con về ở cùng và quyết không trao lại cho đối phương. Hoặc một số người có được quyền nuôi con rồi thì không cho đối phương thực hiện quyền thăm nom, gặp gỡ con theo quy định”, luật sư phân tích.

Theo luật sư, việc phân quyền nuôi con được xếp vào nhóm thi hành án hành vi nhưng đối tượng thi hành là trẻ em. Do đó, trường hợp bố hoặc mẹ không chấp hành, cơ quan thi hành án rất khó để tổ chức cưỡng chế vì việc này không nhân văn do đối tượng cưỡng chế là trẻ em. Việc cưỡng chế có thể ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.

Đây là kẽ hở để người bố hoặc mẹ có thể lợi dụng nhằm vi phạm việc thi hành quyền nuôi con.

Cần giám sát việc chăm sóc trẻ sau khi cha mẹ ly hôn

Từ thực tiễn trên, luật sư khuyến nghị Luật Hôn nhân và gia đình cần được sửa đổi theo hướng nếu không thực thi phương án nuôi con mà tòa án đã tuyên, qua quá trình khuyên giải, động viên mà vẫn không thay đổi, người bố hoặc mẹ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đồng thời, công tác giám sát việc nuôi con, chăm con hậu ly hôn cần được nâng cao, có thể giao về cho đầu mối là các tổ dân phố, hội phụ nữ cấp phường, xã.

Chia sẻ thêm quan điểm về việc này, bà Phí Mai Chi (chuyên gia của Trung tâm Trẻ em và Phát triển), cho rằng quyền nuôi con hậu ly hôn không chỉ là câu chuyện của hai vợ chồng mà có thể là “cuộc chiến” của họ hàng hai bên nội, ngoại. Cuộc chiến này càng kéo dài thì trẻ càng tổn thương, nhiều trẻ có thể bị khủng hoảng nếu cha mẹ tranh chấp gay gắt.

"Do đó, việc giám sát quá trình chăm sóc, thăm nom trẻ sau khi cha mẹ ly hôn rất quan trọng", bà Chi nói.

Bà dẫn Nghị định 130 vừa được Chính phủ ban hành, quy định việc xử phạt những ai ngăn cản quyền trẻ em được sống chung hoặc gặp gỡ bố mẹ. Nhưng để quy định trên đi vào cuộc sống, chuyên gia nhận định cần có các cơ quan giám sát việc chăm sóc trẻ sau khi cha mẹ ly hôn.

Các đơn vị này có thể là tổ dân phố, hội phụ nữ... thuộc xã, phường, thôn, xóm, là những người sống gần và thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc với trẻ để sớm can thiệp khi bố hoặc mẹ của trẻ vi phạm quyền cho con gặp gỡ, hưởng sự chăm sóc, thăm nom từ người thân.

Làm gì để không lặp lại vụ việc như bé gái bị bạo hành ở TP.HCM?

"Xót thương, phẫn nộ, lên án và yêu cầu nghiêm trị nhưng vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để những câu chuyện đau lòng như vậy không lặp lại", Cục trưởng Cục Trẻ em nói.

Vụ bé 8 tuổi tử vong: Hai tình huống pháp lý người cha có thể đối mặt

Tùy thuộc tài liệu vụ án và tội danh mà Trang bị xử lý, Thái có thể đối mặt các tội khác nhau như giết người, cố ý gây thương tích, che giấu tội phạm hay ngược đãi con đẻ.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm