Nội dung trên được ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), chia sẻ vào trưa 29/12, sau một ngày cơ quan công an TP.HCM khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai).
Cảnh sát cho rằng Trang đã hành hạ bé N.T.V.A. (8 tuổi) tại chung cư Sài Gòn Pearl (quận Bình Thạnh) khiến nạn nhân tử vong ngày 22/12.
Xót thương và phẫn nộ
Theo ông Nam, sự việc có mức độ rất nghiêm trọng, làm dậy sóng dư luận. Xót xa hơn, vụ việc xảy ra ở khu chung cư sang trọng tại thành phố đông đúc, nhiều tổ chức, nhiều dịch vụ bảo vệ trẻ em nhất cả nước nhưng lại không có tố giác để ngăn chặn kịp thời.
"Chúng ta xót thương, phẫn nộ, lên án và yêu cầu nghiêm trị nhưng vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để những câu chuyện đau lòng như vậy không lặp lại", Cục trưởng Cục Trẻ em nói.
Chiếc gậy gỗ Nguyễn Võ Quỳnh Trang dùng để đánh nạn nhân là bé N.T.V.A. Ảnh: Lê Trai. |
Ông Nam cho biết việc vụ việc làm ông liên tưởng tới một vụ án khác ở Hà Nội vào cuối năm 2020 khi Nguyễn Minh Tuấn (32 tuổi) bạo hành con gái riêng 3 tuổi của vợ đến mức làm bé tử vong. Người này sau đó nhận hình phạt là tử hình và mẹ của nạn nhân cũng phải nhận án chung thân vì bị xác định cùng chồng mới "dạy dỗ con" bằng cách đánh đập.
Theo người đứng đầu cơ quan bảo vệ quyền trẻ em, những mức hình phạt nghiêm khắc nhất đã và rồi sẽ được thực thi nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu biết, tuân thủ và biết "sợ pháp luật" trước khi xuống tay bạo hành, chà đạp những đứa trẻ non nớt, không có khả năng tự vệ.
"Tôi thực sự cảm thấy day dứt vì những cái án chung thân, tử hình vừa mới năm trước không làm run sợ những người như Nguyễn Võ Quỳnh Trang và cả cha đẻ của bé N.T.V.A", ông Nam bày tỏ.
Bạo hành trẻ em không thể là "chuyện riêng"
Sau khi sự việc trên xảy ra, Cục trưởng Cục Trẻ em cũng đặt ra câu hỏi có hay không sự mù quáng khi định nghĩa thành công và sự ngoan ngoãn của một đứa trẻ luôn đồng hành cùng roi vọt, hình phạt?
Theo ông, một khi sự tổn hại về thể chất, tinh thần của đứa trẻ đã xảy ra, sức khỏe, tính mạng của con trẻ đã bị cướp mất một cách oan ức thì những lý lẽ về việc "dạy dỗ con cái" chỉ là ngụy biện hoặc để trốn tránh hình phạt pháp luật.
Ông cho rằng mọi hành vi xâm hại trẻ em dù là nguy cơ hay hiện hữu thì không thể là “chuyện riêng” của bất kỳ bậc cha mẹ, gia đình nào. Theo đó, trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi trẻ em đã được Luật Trẻ em 2016 quy định.
Cơ quan lao động, thương binh và xã hội, cơ quan công an các cấp và UBND cấp xã, phường là những nơi có trách nhiệm, thẩm quyền tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác, phối hợp để xác minh, đánh giá, điều tra về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn hoặc gây tổn hại, nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em.
Đồng thời, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã được thiết lập để thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em. Quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin cũng được quy định cụ thể theo Nghị định số 56 của Chính phủ.
Do đó, ông Nam kêu gọi người dân thông báo nhanh nhất, sớm nhất cho cơ quan chức năng bảo vệ trẻ em về sự việc bạo hành, xâm hại hoặc có nguy cơ bạo hành, xâm hại trẻ thông qua tổng đài 111.
"Việc tố giác sớm có thể cứu được sức khỏe và sinh mạng của trẻ em khỏi những vụ việc xâm hại, bạo hành", ông Đặng Hoa Nam nói.
Khoảng 19h45 ngày 22/12, cơ quan chức năng nhận tin báo từ một bệnh viện ở phường 22, quận Bình Thạnh về việc có cấp cứu một bé gái trong tình trạng hôn mê, ngưng tim, ngưng thở. Công an quận Bình Thạnh đã có mặt cùng Công an phường 22 ghi lời các nhân chứng, những người liên quan để làm rõ.
Qua điều tra, Công an quận Bình Thạnh xác định bé V.A. sống cùng với cha ruột và Trang (người tình của cha) tại block Topaz 2, chung cư Sài Gòn Pearl. Trong thời gian sinh sống, bé V.A. bị Nguyễn Võ Quỳnh Trang đánh đập trong thời gian dài.
Ngày 28/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh đã khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 2 tháng đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai) về tội Hành hạ người khác.