Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Covid-19 làm tăng khoảng cách thu nhập giữa lao động nam và nữ

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân trong quý IV năm 2021 của lao động nam cao gấp 1,4 lần nữ. Đại dịch làm tăng nguy cơ bất bình đẳng giới trong thu nhập bình quân.

Thông tin trên được Tổng cục Thống kê cho biết ngày 6/1, trong báo cáo về tình hình lao động việc làm và tác động của đại dịch Covid-19 đến thị trường lao động vào quý IV năm 2021.

Theo đó, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong 3 tháng cuối năm 2021 là 5,3 triệu đồng, tăng 139.000 đồng so với quý trước và giảm 624.000 đồng so với cùng kỳ năm 2020.

Đồng thời, thu nhập bình quân tháng của lao động nam giới là 6,2 triệu đồng, cao gấp 1,4 lần lao động nữ (4,4 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cũng gấp 1,3 lần khu vực nông thôn, tương ứng 6,3 triệu đồng và 4,8 triệu đồng.

Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù có sự cải thiện về thu nhập so với các quý trước, đời sống của người lao động vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Tình trạng giảm thu nhập của nữ giới diễn ra nghiêm trọng hơn so với của nam giới.

So với cùng kỳ năm 2020, thu nhập bình quân của lao động nữ quý IV năm 2021 giảm 14,6%, trong khi của lao động nam giảm 7,5%. Tình trạng giảm thu nhập có khác biệt giữa hai giới được ghi nhận do bùng phát của đại dịch trong vòng 2 năm qua, thể hiện rõ hơn trong quý III năm 2021 và còn tiếp diễn nghiêm trọng hơn trong quý IV.

"Đại dịch Covid-19 khiến lao động nữ phải hứng chịu nhiều thiệt thòi về thu nhập hơn so với lao động nam và nguy cơ bất bình đẳng giới về thu nhập đang có xu hướng gia tăng", báo cáo Tổng cục Thống kê nêu rõ.

Lực lượng lao động qua các quý trong năm 2020 và 2021
Nguồn: Tổng cục Thống kê
NhãnQuý I/2020Quý II/2020Quý III/2020Quý IV/2020Quý I/2021Quý II/2021Quý III/2021Quý IV/2021

triệu người 51.249.451.352.15151.149.150.7

Cũng theo thống kê, trong quý IV năm 2021, cả nước có hơn 24,7 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc hoặc nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập do tác động tiêu cực của Covid-19.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 50,7 triệu người, tăng 1,7 triệu người so với quý trước và giảm 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung năm 2021, lực lượng trong độ tuổi lao động là 50,5 triệu người, giảm 791.000 người so với năm trước đó.

Trong 3 tháng qua, số người thiếu việc làm trong độ tuổi là gần 1,5 triệu người, trong đó tỷ lệ thiếu việc ở khu vực thành thị cao hơn nông thôn. Đây là quý thứ 3 liên tiếp thị trường lao động chứng kiến tình trạng này, trái ngược với xu hướng trong những năm trước đại dịch Covid-19.

Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù Chính phủ đã có các chính sách chủ động thích ứng linh hoạt trong phòng chống Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế xã hội nhưng tính chung cả năm 2021, thị trường lao động còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ thất nghiệp năm qua cao hơn năm 2021, trong đó khu vực thành thị vượt mốc 4%.

Trước tình hình trên, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp như tiếp tục đẩy mạnh chiến lược tiêm vaccine; triển khai kịp thời và hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phục hồi sau đại dịch; xây dựng và thực hiện các chương trình, chính sách khuyến khích người lao động, đặc biệt là thanh niên tích cực học tập nâng cao trình độ.

Đơn vị trên cũng đề xuất Chính phủ nghiên cứu các chính sách tài khóa phù hợp để kích cầu đầu tư, mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động để từ đó kích thích phục hồi tăng trưởng kinh tế...

Gần 3 triệu người được tăng lương hưu, trợ cấp xã hội

Bảo hiểm xã hội Việt Nam ước tính gần 3 triệu người được điều chỉnh mức tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng kể từ tháng 1.

Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ năm 2022

Chính phủ quyết định tăng 7,4% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng kể từ ngày 1/1/2022. Mức này giảm so với đề xuất trước đó của Bộ LĐTB&XH.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm