Lễ kết nạp Việt Nam vào ASEAN tại Brunei ngày 28/7/1995. Ảnh: TTXVN |
Ngày 28/7/1995, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời Brunei trong buổi lễ kết nạp Việt Nam vào Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN). Sự kiện ghi dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập khu vực và thế giới của Việt Nam cũng như quá trình phát triển của Hiệp hội.
Việc Việt Nam gia nhập ASEAN đánh dấu một bước ngoặt quan trọng ở Đông Nam Á. Sự kiện chấm dứt thời kỳ căng thẳng, không ổn định và đầy nghi ngại giữa các nước trong khu vực, tạo nên khung cảnh hòa bình, an ninh và ổn định, mở ra thời kỳ phát triển mới của khu vực. Đó chính là kết quả cơ bản và bền vững của quá trình hội nhập khu vực, một bước tiến ban đầu tiến tới hội nhập quốc tế.
Cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Đông Nam Á năm 1997 có thể coi như một thách thức lớn đầu tiên đối với Việt Nam sau khi tham gia ASEAN. Hồi ấy Việt Nam phải đảm nhận nhiệm vụ tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 trong bầu không khí không thuận lợi. Tuy nhiên, với sự đồng thuận giữa các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN, Bản Tuyên bố Hà Nội năm 1998 và Chương trình Hành động của Hội nghị đã đưa ra cách đánh giá đúng đắn về tình hình và triển vọng ở Đông Nam Á, khẳng định vai trò của ASEAN và đề ra những biện pháp khắc phục.
Chỉ 3 năm sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch Ủy ban thường trực ASEAN (ASC) (nhiệm kỳ 2000 - 2001), đóng góp tích cực vào việc mở rộng thành viên của ASEAN (kết nạp các nước Lào, Myanmar, Campuchia), phát huy vai trò nước điều phối quan hệ đối thoại của ASEAN với các đối tác quan trọng, như: Nga, Mỹ, Australia, Canada, Trung Quốc. Hiện nay Việt Nam là nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN - EU (nhiệm kỳ 2012 - 2015).
Nỗ lực của Việt Nam vì một ASEAN phát triển
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh tiếp Tư lệnh Lục quân các nước ASEAN. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Việt Nam có nhiều đóng góp cụ thể quan trọng trong 4 lĩnh vực hợp tác chính của ASEAN về chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội và quan hệ đối ngoại.
Về chính trị - an ninh, Việt Nam cùng các nước ASEAN tiếp tục thúc đẩy 14 lĩnh vực ưu tiên, triển khai các mục tiêu còn lại của Kế hoạch tổng thể APSC; tích cực triển khai sáng kiến của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM); chủ trì tổ chức thành công Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF) và tham gia các hoạt động cụ thể của ASEAN về phòng, chống khủng bố và các loại tội phạm.
Về kinh tế, Việt Nam là một trong 3 nước đạt tỷ lệ cao nhất trong việc thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch tổng thể Xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (84,5%), tích cực đàm phán về các biện pháp thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, dịch vụ và nỗ lực hoàn thành cam kết về xóa bỏ thuế quan đối với các sản phẩm trong các ngành ưu tiên hội nhập, mở rộng hợp tác và liên kết kinh tế giữa ASEAN với các đối tác.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chào mừng 45 năm thành lập ASEAN và 17 năm Việt Nam gia nhập Hiệp hội vào năm 2012. Ảnh: TTXVN |
Về văn hóa - xã hội, Việt Nam đã chủ động đề xuất sáng kiến, ủng hộ hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên của ASEAN hiện nay, như an sinh xã hội, môi trường, quản lý thiên tai, biến đổi khí hậu và thúc đẩy, bảo vệ quyền của lực lượng lao động di cư.
Qua 20 năm là thành viên của ASEAN, từ những bước đi bỡ ngỡ ban đầu, Việt Nam ngày càng trưởng thành, chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của ASEAN với tinh thần trách nhiệm cao. Việt Nam là một trong số những nước đạt tỷ lệ thực thi cao các chương trình, biện pháp liên kết kinh tế của ASEAN.
Triển vọng
Lãnh đạo các nước ASEAN tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 26. Ảnh: Chinhphu.vn |
Trong năm 2015, trọng tâm của Việt Nam là tích cực cùng các nước trong khối đạt mục tiêu công bố thành lập Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015.
Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ cùng các nước đóng góp vào tiến trình xây dựng Tầm nhìn phát triển của ASEAN sau năm 2015 nhằm giúp liên kết ASEAN sâu rộng hơn nữa. Về hòa bình và an ninh, Việt Nam tiếp tục củng cố và nâng cao vai trò ASEAN như một lực lượng chủ chốt đối với hòa bình và an ninh khu vực, bao gồm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Dù còn nhiều thách thức và khó khăn trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động, với tinh thần vì một ASEAN hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, Việt Nam sẽ tiếp tục những nỗ lực, cùng các nước thành viên ASEAN hoàn thành mục tiêu xây dựng Hiệp hội vì cuộc sống tốt đẹp hơn của người dân trong khu vực.