Tàu chiến INS Satpura của Ấn Độ. Ảnh: Indian Navy |
Trang Deccan Herald của Ấn Độ ngày 1/6 đưa tin 2 chiếc tàu, gồm tàu tàng hình INS Satpura và chiến hạm chống tàu ngầm INS Kamorta, đã tham gia tập trận Simbex-2015 với Singapore trước đó, trong khi 2 tàu khu trục tên lửa INS Ranvir và tàu hậu cần INS Shakti vừa đến Jakarta, Indonesia, hôm qua.
Các tàu chiến của Ấn Độ sẽ tập trận cùng lực lượng Indonesia trong 4 ngày trước khi cập cảng Kuantan của Malaysia, Sattahip ở Thái Lan và đến Sihanoukville ở Campuchia. Sau khi diễn tập cùng các nước Đông Nam Á, các tàu chiến trên sẽ đến Australia.
Hoạt động của Hải quân Ấn Độ diễn ra trong thời điểm Biển Đông đang dậy sóng với mưu đồ quân sự hóa của Trung Quốc trên vùng biển này. Theo Deccan Herald, các chỉ huy Hải quân Ấn Độ khẳng định lực lượng này có thể xem Biển Đông như "khu vực có lợi ích" nếu các tài sản của Ấn Độ bị đe dọa.
"Ấn Độ tin tưởng vào sự tự do đi lại. Các hoạt động thăm dò dầu của Ấn Độ tại Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuyên bố (của Trung Quốc) dọa dùng vũ lực là không thích đáng vì các nước đã cam kết giải quyết vấn đề", Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj nhấn mạnh hôm 31/5.
Ba năm trước, tàu chiến INS Airavat của Ấn Độ trên đường đến Việt Nam cũng bị tàu quân sự Trung Quốc "dằn mặt", yêu cầu rời khỏi lãnh hải của Trung Quốc dù đây là vùng biển quốc tế, Bộ Ngoại giao Ấn Độ nhắc lại.
"Ngày 22/7/2012 ở khoảng cách cách bờ biển Việt Nam 45 hải lý, chiếc tàu nhận tín hiệu radio từ một người tự xưng thuộc Hải quân Trung Quốc tuyên bố chiếc tàu "đang đi vào vùng biển Trung Quốc". INS Airavat không nhìn thấy tàu hay máy bay nào và tiếp tục hành trình mà không có đụng độ gì".
Trung Quốc tập trận bắn đạn thật gần biên giới Myanmar
Ngày 1/6, truyền thông Trung Quốc đưa tin quân đội nước này sẽ tập trận bắn đạn thật sát biên giới Myanmar trong thời điểm bạo lực sắc tộc ở Myanmar tiếp tục lan sang phía Trung Quốc.
Theo Tân Hoa xã, quân đội Trung Quốc cho biết cuộc tập trận sẽ bắt đầu từ ngày mai 2/6 ở tỉnh Vân Nam.
Lực lượng Myanmar vẫn đang chiến đấu chống lại một nhóm quân ly khai gốc Hoa ở vùng Kokang tại bang Shan. Chính phủ Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp ở Kokang từ tháng 2.
Trong diễn biến khác, lãnh đạo Công đảng Australia ngày 1/6 kêu gọi kiềm chế lời nói và hối thúc chính phủ xử lý cẩn trọng căng thẳng trên Biển Đông sau khi Bộ trưởng Quốc phòng nước này Kevin Andrews đưa ra các quan ngại mạnh mẽ về hành vi phi pháp của Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La (Singapore).
"Australia, các láng giềng châu Á và khu vực đều muốn đi lại tự do trong khu vực", Thứ trưởng Ngoại giao và là phó lãnh đạo Công đảng Tanya Plibersek nói trên Đài ABC. "Nhưng quan trọng là phải đảm bảo lời lẽ giúp xoa dịu tình hình hơn là đốt nóng vấn đề".
Tuyên bố của bà Plibersek đưa ra một ngày sau khi bộ trưởng Quốc phòng Australia tham gia cùng Mỹ và các nước ASEAN chỉ trích các hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc trên Biển Đông. "Australia phản đối bất cứ hành động dọa nạt hoặc đơn phương làm thay đổi thực trạng trên Biển Đông", ông Andrews gay gắt.