Thế giới
Tư liệu
Hành trình nửa thế kỷ phát triển và đổi mới của ASEAN
- Thứ hai, 27/7/2015 18:09 (GMT+7)
- 18:09 27/7/2015
Sau 48 năm hình thành và phát triển, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã lớn mạnh, thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên trên lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật và văn hóa.
|
Ngày 8/8/1967, tại Bangkok (Thái Lan), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập với 5 thành viên ban đầu gồm Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Singapore. Mục tiêu của tổ chức là tăng cường hợp tác kinh tế, văn hoá - xã hội giữa các nước thành viên, tạo điều kiện cho các nước hội nhập sâu hơn với khu vực và thế giới. Ngày 27/11/1971, ASEAN ra Tuyên bố về Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN), nhấn mạnh quyết tâm của các nước ASEAN trong việc đảm bảo việc công nhận và tôn trọng Đông Nam Á là một khu vực hòa bình, tự do và trung lập, không có sự can thiệp dưới bất kỳ hình thức và phương cách nào của các nước ngoài khu vực. Ảnh tư liệu |
|
Ngày 24/2/1976, tại Bali (Indonesia), nguyên thủ quốc gia các nước ASEAN ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (Hiệp ước Bali) nhằm thúc đẩy hòa bình vĩnh viễn, tình hữu nghị và hợp tác lâu bền giữa nhân dân các bên tham gia Hiệp ước, góp phần tăng cường sức mạnh, tình đoàn kết và quan hệ chặt chẽ hơn giữa các nước Đông Nam Á. Ảnh tư liệu |
|
Ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của ASEAN. Việc Việt Nam gia nhập ASEAN cũng mở ra một trang mới trong lịch sử của khối. Việt Nam đã ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác, Diễn đàn Khu vực ASEAN, cam kết tiến hành thực hiện tốt các chương trình cũng như cơ chế hợp tác của ASEAN. Từ 5 nước thành viên ban đầu, đến nay ASEAN đã có 10 quốc gia gồm: Indonesia, Thái Lan, Philipines, Singapore, Malaysia, Brunei, Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia. Trong ảnh là lễ kết nạp Việt Nam vào ASEAN tại Brunei. Ảnh: TTXVN |
|
Từ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 10 (năm 2004), lãnh đạo các nước ASEAN đã nhất trí xây dựng bản Hiến chương ASEAN. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 13 (năm 2007), lãnh đạo các nước ASEAN ký thông qua Hiến chương ASEAN và ra Tuyên bố chung khẳng định quyết tâm hoàn tất việc phê chuẩn Hiến chương trong vòng một năm. Trong ảnh là Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 diễn ra tại Hà Nội. Ảnh tư liệu |
|
Ngày 15/12/2008, Hiến chương ASEAN chính thức có hiệu lực sau khi được tất cả các nước thành viên ASEAN phê chuẩn. Đây là một sự kiện quan trọng, bước ngoặt lịch sử của Hiệp hội trong hơn 40 năm hình thành và phát triển. ASEAN chính thức bước sang giai đoạn phát triển mới, hội nhập chặt chẽ hơn và trở thành một tổ chức liên Chính phủ hoạt động có tư cách pháp nhân. Trong ảnh, Đại sứ Vũ Đăng Dũng, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt nam tại ASEAN trình Thư Ủy nhiệm lên Tổng Thư ký ASEAN năm 2009. Ảnh tư liệu |
|
Tại Phiên họp toàn thể của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 26 diễn ra tại Malaysia tháng 4/2015, các nhà lãnh đạo cho rằng việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 là dấu mốc lịch sử của tiến trình liên kết của khối và kết quả của những nỗ lực hợp tác không ngừng của các nước thành viên trong gần 5 thập kỷ qua, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ASEAN. Ảnh: EPA |
|
Với dân số gần 650 triệu người, thị trường tiềm năng của ASEAN lớn hơn nhiều so với Liên minh châu Âu (EU) và Bắc Mỹ, và chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới với GDP kết hợp đạt 2.400 tỷ USD trong năm 2013 và có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2050 nếu xu hướng này tiếp tục phát triển. Ảnh: Straits Times |
|
Bên cạnh việc dành ưu tiên thực hiện hiệu quả và đúng hạn mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, các quốc gia thành viên ASEAN cũng chú trọng các nỗ lực nhằm nâng cao vai trò và vị thế của Hiệp hội trên trường quốc tế. Ảnh: AFP
|
ASEAN
Lào
Campuchia
ASEAN
Đông Nam Á
Việt Nam
kinh tế
cộng đồng
hiến chương ASEAN