Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hạnh Nguyên: 'Viết văn vì không biết làm gì khác'

Hạnh Nguyên sinh năm 1995, viết văn từ khi học cấp hai. "Những thiếu thời lơ lửng" gồm những truyện ngắn được viết rải rác trong ba năm học ở trường THPT Hà Nội - Amsterdam.

Hạnh Nguyên đem đến một cái nhìn khác về văn chương của những người trẻ. Sáng tác của cô vì thế được  sự quan tâm của những nhà nghiên cứu văn học đương đại. 

Nhà phê bình nghiên cứu văn học Nguyễn Thanh Tâm ( Viện Văn học) nói về tác phẩm đầu tay này: “Tôi thấy trong cuốn sách những vấn đề như là quan niệm sống của những người trẻ hiện nay; sự cô độc; nỗi đau; những cảm xúc yêu thương và đặc biệt là ám ảnh về việc tự sát, về cái chết. Đây là những vấn đề đang khiến cho xã hội phải suy nghĩ. Tập truyện Những thiếu thời lơ lửng khiến tôi phải soi xét lại nhiều mối quan hệ của mình, nhất là với những người trẻ, với con và với các em để biết lắng nghe, hiểu và gần với họ hơn. Đó là cuốn sách, theo tôi, cần cho người lớn!”. Theo cách nhìn của nhà phê bình, hiện nay văn chương trẻ đang có hai mảng màu sắc khác nhau. Mảng thứ nhất: văn chương của những người  chạy theo xu hướng thị trường. Mảng thứ hai: những người viết không đăt lợi ích thương mại lên trên, họ có những thực hành nghiêm túc về văn chương, Hạnh Nguyên nằm trong số mảng màu này.

Bìa sách Những thiếu thời lơ lửng.

Trong Talkshow Những thiếu thời lơ lửng và văn chương của những người trẻ  nhiều bạn đọc là học sinh, giảng viên đại học, nhà nghiên cứu tâm lý chia sẻ rằng họ đã bất ngờ và suy nghĩ rất nhiều sau khi đọc cuốn sách. 

-    Sao bạn lại chọn tên sách Những thiếu thời lơ lửng?

-   Mình viết những truyện này từ cảm nhận của riêng mình, để trải lòng. Những thiếu thời lơ lửng giống như là những người trong quá trình trưởng thành, từ 14 tuổi trở lên, họ đang băn khoăn không biết mình có thành người lớn một cách toàn diện được không. 

Thực ra tên cuốn sách có sau khi tập truyện đã hoàn thành. Nó xuất hiện một cách ngẫu nhiên. Mình rất mừng vì nó lại thành ra khá hợp và được mọi người đón nhận.

-   Điều gì giúp bạn có ý tưởng viết lên những câu chuyện đó. Khi viết bạn phải phân thân tới mức độ nào?

-  Mình không có ý tưởng. Mình viết khi bị tác động bởi một bức ảnh, một giai điệu, một câu hát, một khung cảnh, hoặc một cốc nước. Một khi đã bắt tay vào viết, câu chuyện tự thân phát triển, mình không thực sự tham gia vào phần này. Mình sẽ không dùng từ "phân thân", mà có thể là "ngủ đông". Khi viết, phần bề mặt ý thức tạm thời đóng lại, còn lại là công việc của tiềm thức. Trong lòng chúng ta có quá nhiều tổn thương và mình nhận ra trong khi viết mình đang tự cứu rỗi chính mình.

-   Trang viết của bạn nói nhiều về cái chết. Đó có phải là nỗi ám ảnh, mối quan tâm của bạn?

-    Không phải vậy. Nếu nghĩ nhiều đến những điều đó thì làm sao mà sống nổi. Mình từng nghĩ tới cái chết, nhưng chuyện đó qua rồi.

-  Truyện ngắn Mũi tên với bức thư Đây là thời đại của chúng tôi trong phần 3 có phải là thông điệp cuốn sách? Bức thư đó nhận được sự đồng cảm của rất nhiều bạn trẻ cùng độ tuổi và khiến cho nhiều phụ huynh phải hoang mang. Bạn có thể chia sẻ thêm đôi điều xung quanh câu chuyện và bức thư này?

-  Không có thông điệp nào được đưa ra trong cuốn sách. Mình gửi bản thảo các truyện ngắn tới nhà xuất bản và để họ lựa chọn. Về truyện ngắn Mũi tên, mình hơi ngạc nhiên khi nghe phản hồi của mọi người. Mình không nghĩ nó lại khiến các bậc cha mẹ nghĩ nhiều như vậy. Hay nói đúng hơn, thì có lẽ là vì mình luôn nghĩ bố mẹ nào cũng đã tự ý thức được những chuyện đang xảy ra với con cái họ rồi, cho dù họ có nhận thấy hay là không. Trẻ con mà, các dấu hiệu luôn rất rõ ràng.

-  Nhân vật và bối cảnh trong câu chuyện của bạn mang hơi hướng nước ngoài. Có phải bạn bị ảnh hưởng bởi Marguerite Durar, Haruki Murakami?

 -  Đúng thế. Mình bị ảnh hưởng khá nhiều bởi Haruki Murakami và Marguerite Duras và đang cố thoát khỏi. 

Một nhà văn giỏi có thể dùng những câu chữ của họ để cứu một vài người khác. Haruki Murakami, Marguerite Duras đã cứu mình, cho mình sức mạnh. Mình đã khóc khi đọc sách của Marguerite Duras và muốn trở thành một nữ nhà văn như bà. Mình đọc Rừng Nauy  thích nhất nhân vật Naoko. Các nhân vật trong Rừng Nauy đều cô đơn và chống chọi để vượt qua  nhưng Naoko thì không vượt qua được.  Tác phẩm Người tình mình đọc khi học lớp 11. Mình thấy có một  phần nào chúng ta trong hình ảnh nhân vật chính, đó là vừa hồ hởi - liều lĩnh vừa non nớt.

-   Tại sao bạn lại viết văn?

-   Vì không biết làm gì khác.

- Mình đã từng rất tin rằng những điều mình viết ra có sức mạnh lay động mỗi người.

 - Sau 1 năm du học, tới môi trường sống khác, với nền giáo dục khác tâm lý của bạn còn phù hợp với nội dung các câu chuyện? Bạn sẽ viết tiếp như thế nào?

-  Mình nghĩ là môi trường sống thay đổi sẽ không làm người ta thay đổi, mà chỉ đưa ra cho họ nhiều lựa chọn hơn. Tâm lý của mình không liên quan tới nội dung các câu chuyện vì về cơ bản đó là một phần của mình.  Mình vẫn viết, tuy không nhiều như trước, và nỗi cô đơn trong trang viết vẫn vậy, nhưng đỡ hơn. Việc viết sẽ không dừng lại, nếu đó là điều bạn muốn hỏi.

Hạnh Nguyên trong Talkshow Những thiếu thời lơ lửng và văn chương của những người trẻ.

Tôi chưa gặp những đứa trẻ cảm thấy chán nản với cuộc sống của mình. Tôi cần gì phải gặp. Bởi tôi là một minh chứng điển hình, đang hít thở và đang sống, tôi biết rõ cảm giác buồn chán bất lực đó như thế nào, tôi cũng biết những đứa trẻ như tôi đang phải đối mặt với mọi thứ ra sao. Tôi nghĩ mình biết. Có lẽ có rất nhiều những đứa trẻ như vậy, chúng không thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại, khuôn khổ hiện tại và chúng muốn chạy thoát nhưng không thể. Khi chúng gây chuyện và bố mẹ chúng hỏi, tại sao con không tâm sự với chúng ta khi con bế tắc, trời ạ chúng phải trả lời thế nào đây?

Bố mẹ, các vị đã không ở bên con các vị khi chúng cần, vậy thì đừng bao giờ đòi hỏi chúng phải kể cho các vị nghe hôm nay chúng thấy thế nào, chúng mệt ra sao và chúng muốn được nghỉ một buổi học ở trường. Chúng sẽ không bao giờ nói bởi ngay từ đầu chúng đã không được phép nói ra rồi.

Con cái lớn lên bằng nỗi sợ. Nỗi sợ bị đánh, bị mắng, bị chửi rủa, có những đứa học cách sống chung với nó và ổn, có những đứa cũng học cách sống chung với nó và bị tổn thương. Những đứa ổn sẽ sống theo cách riêng của chúng và âm thầm không để ai biết, những đứa không ổn sẽ kiệt quệ từng ngày và kết quả chúng sẽ bỏ cuộc, rất sớm thôi. Số lượng trẻ vị thành niên tự sát không ít. Ta quy kết cho căn bệnh trầm cảm. Vậy nguyên nhân của căn bệnh trầm cảm là gì? Tôi nói, đó là những áp lực trong cuộc sống.

Thế giới này không tạo ra áp lực. Con người mới là kẻ làm điều đó.

(Trích từ truyện Mũi tên trong cuốn sách Những thiếu thời lơ lửng).

 

Phan Thúy Hà

Bạn có thể quan tâm