Từ trái qua: Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon, Chủ tịch Ủy ban Olympics quốc tế Thomas Bach và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Sochi năm 2014. Ảnh: EPA |
Tháng 2: Khai mạc Thế vận hội Mùa đông Sochi
Đầu năm 2014, Tổng thống Putin đã cho cả thế giới thấy sức mạnh của một nước Nga hùng cường qua Lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông hoành tráng. Khoảng 3.000 vận động viên, 13.000 nhà báo và hơn 100.000 du khách đến với sự kiện thể thao này.
Những khách mời cao cấp của ông Putin gồm 40 nguyên thủ và lãnh đạo các nước như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe... Với nét mặt đầy tự hào, ông Putin chỉ phát biểu một câu duy nhất: "Tôi xin tuyên bố khai mạc Thế vận hội Mùa đông lần thứ 22".
Cuối tháng 2, sau một thời gian dài, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đi đến cao trào với việc quốc hội nước này thông qua việc phế truất Tổng thống Viktor Yanukovych hôm 22/2. Bản thân ông Yanukovych phải chạy trốn khỏi Kiev. Ngày 28/2, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Putin đã điện đàm với các lãnh đạo chủ chốt ở châu Âu để nhấn mạnh "yêu cầu tối quan trọng lúc này là không để tình hình bạo lực leo thang hơn nữa", theo BBC.
Ngày 4/3, Tổng thống Putin có cuộc họp báo đầu tiên về tình hình Ukraine. Trong cuộc họp báo, nhà lãnh đạo Nga lần lượt đưa ra những thông điệp quan trọng như Nga không xem chính phủ hiện tại ở Kiev là hợp pháp, cựu Tổng thống Yanukovych không còn tương lai chính trị, và Nga "bảo lưu" quyền can thiệp quân sự vào miền đông Ukraine.
"Nếu chúng tôi nhận thấy tình trạng vô luật pháp xảy ra ở các vùng miền đông, nếu người dân ở đó yêu cầu chúng tôi giúp đỡ, cùng với lời đề nghị từ một tổng thống Ukraine hợp pháp mà chúng tôi đã nhận được, chúng tôi bảo lưu quyền sử dụng mọi biện pháp để bảo vệ những người dân này. Nếu chúng tôi buộc phải ra quyết định, thì đó là để bảo vệ người dân Ukraine", đài truyền hình RT trích lời ông Putin nói.
Tổng thống Putin trong cuộc họp báo đầu tiên về tình hình Ukraine. Ảnh: Kremlin.ru |
Sau đó 1 ngày, Tổng thống Putin gửi "tối hậu thư" tới 18 quốc gia châu Âu nhắc nhở về khoản nợ khí đốt khổng lồ của Ukraine. Trong thư, ông Putin đe dọa sẽ cắt nguồn cung khí đốt cho Ukraine nếu nước này không thanh toán các hóa đơn, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động vận chuyển khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU), theo Reuters.
CNN cho biết Tổng thống Putin đã khẳng định năm 2014 sẽ đi vào lịch sử khi người dân Crimea chọn trở về với Nga. "Sẽ còn nhiều nhiệm vụ cần hoàn thành, nhưng chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn khi chúng ta sát cánh bên nhau và chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn", ông Putin nói.
Tổng thống Putin phát biểu tại thành phố cảng Sevastopol trong chuyến thăm Cộng hòa tự trị Crimea lần đầu tiên. Ảnh: ABC |
Ngày 20/5, Tổng thống Putin đến thành phố Thượng Hải và bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc. Tại đây, ông Putin hội đàm cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Một ngày sau, Tập đoàn dầu khí Gazprom và Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) ký kết hợp đồng mua bán khí đốt mang tính dấu ấn, theo Reuters.
Tổng thống Putin lần đầu gặp mặt tân tổng thống Ukraine, ông Petro Poroshenko, vào ngày 6/6 trong sự kiện kỷ niệm 70 năm chiến thắng của quân đồng minh trong Thế chiến thứ 2 tại Pháp.
Điện Kremlin cho biết hai nhà lãnh đạo đã trao đổi trong khoảng 15 phút về lệnh ngừng bắn ở khu vực miền đông. Tổng thống Putin đã nhấn mạnh chỉ có thể áp dụng những biện pháp hòa bình. Hai tổng thống cũng nói về các giải pháp giúp hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước, trong đó ông Putin ngỏ ý sẽ công nhận kết quả cuộc bầu cử ở Kiev.
Nga cắt nguồn cung khí đốt cho Ukraine vào ngày 16/6 sau nhiều cuộc đàm phán bế tắc và không thể giải quyết bất đồng về việc Kiev thanh toán các khoản nợ cho Moscow.
Tháng 7: Thảm kịch MH17
Tai nạn của chuyến bay số hiệu MH17 của hãng Malaysia Airlines xảy ra ngày 17/7 khiến cả thế giới bàng hoàng. Phương Tây cáo buộc Nga có thể liên quan gián tiếp đến nguyên nhân gây tai nạn khi cung cấp cho phe ly khai ở miền đông Ukraine loại tên lửa bắn hạ máy bay.