Tổng thống Nga, Vladimir Putin. Ảnh: RIA |
Tổng thống Vladimir Putin không phải là một người thích sử dụng những sản phẩm công nghệ hiện đại. Tạp chí Time cho biết phòng làm việc của ông chủ Điện Kremlin có đặt một chiếc máy tính, nhưng Tổng thống Nga khẳng định đây không phải là phương tiện để thu thập thông tin, mà chủ yếu là các bộ tài liệu do cơ quan tình báo Nga thu thập.
Khi cần liên lạc điện thoại, ông Putin sử dụng phương tiện được cho là bảo đảm an ninh nhất: những chiếc điện thoại để bàn màu vàng kiểu cũ. Chúng không có phím quay số mà chỉ có một nút bấm.
Khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine leo thang từ đầu năm 2014, Tổng thống Putin không chọn người đồng cấp Mỹ để thường xuyên bàn bạc tình hình, ông thảo luận nhiều hơn với nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Tính đến cuối tháng 9, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin đã thực hiện 35 cuộc gọi tới thủ tướng Đức, theo báo Guardian. Thủ tướng Đức cũng là nhà lãnh đạo được Tổng thống Mỹ tín nhiệm để điện đàm về cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Khi "Chiến tranh Lạnh" giữa phương Tây và Nga xảy ra trong năm 2014 do những cáo buộc Moscow can thiệp quân sự vào tình hình Ukraine, bà Merkel đóng vai trò chủ chốt trong các cuộc đàm phán với Nga. Báo Die Welt (Đức) nhận định mối quan hệ giữa ông Putin và bà Merkel ngày càng nồng ấm trong những năm gần đây.
Nguyên nhân chủ yếu do ông Putin sử dụng thông thạo tiếng Đức và từng làm việc tại văn phòng của cơ quan tình báo KGB của Liên Xô từ năm 1985 đến 1990 tại Dresden, vùng Đông Đức cũ.
Nội dung điện đàm luôn là thông tin bí mật, mỗi nước sẽ công bố thông tin theo hai quan điểm khác nhau. Trong các cuộc gọi với Tổng thống Putin vào tháng 8, người phát ngôn chính phủ Đức nói Thủ tướng Merkel đã yêu cầu Nga ngừng cung cấp vũ khí và điều binh sĩ vũ trang đến hỗ trợ phe ly khai ở miền đông Ukraine.
Tuy nhiên, Điện Kremlin phủ nhận nội dung này. Moscow cho biết Tổng thống Putin đã thông báo với bà Merkel về nỗ lực cứu trợ nhân đạo của Nga trong vùng xung đột, đồng thời quy trách nhiệm cho chính phủ ở Kiev khiến tình hình xấu đi.
Số lượng cuộc gọi mà Tổng thống Obama nhận cuộc gọi từ Tổng thống Putin xếp sau hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp. Ảnh: DND |
Sau thủ tướng Đức, những nguyên thủ nhận nhiều cuộc gọi từ Tổng thống Putin là Tổng thống Pháp (16 cuộc), Tổng thống Mỹ (10 cuộc), lãnh đạo các nước láng giềng thân thiết của Nga như Belarus (8 cuộc) hoặc Kazakhstan (9 cuộc).
Việc thường xuyên trao đổi giữa ông Putin với lãnh đạo hai nền kinh tế lớn của châu Âu là Đức và Pháp phản ánh quan điểm của Moscow trái với những ý kiến hoài nghi rằng châu Âu đang mất dần sự ảnh hưởng với các vấn đề quốc tế.
Trong khi đó, suốt 3 quý vừa qua, Tổng thống Putin chỉ trao đổi qua điện thoại với Thủ tướng Anh David Cameron 6 lần. Theo Telegraph, quan hệ giữa Nga với Anh lạnh nhạt dần kể từ năm 2006 vì London cáo buộc các điệp viên Nga đã đầu độc cựu sĩ quan an ninh người Nga đào tẩu sang Anh, Alexander Litvinenko.
Tổng thống Putin thực hiện nhiều cuộc gọi nhất, 25 cuộc, vào tháng 3 khi bán đảo Crimea tách khỏi Ukraine để sáp nhập về Nga và phương Tây phản ứng bằng những biện pháp cấm vận. Đáng chú ý, Tổng thống Putin và Tổng thống Obama đã có cuộc điện đàm kéo dài đến 90 phút về tình hình Crimea vào chiều ngày 1/3.
Tháng cao điểm kế tiếp trong nỗ lực ngoại giao của ông Putin là tháng 7/2014, khi chuyến bay MH17 của hãng Malaysia Airlines rơi ở phía đông Ukraine. Ông Putin đã thực hiện 24 cuộc gọi đến nguyên thủ các nước trong khoảng thời gian này.