Mới đây, ông Gijae Seong, Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam, cho biết hiện có hàng nghìn nhà bán hàng Việt Nam trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) quốc tế này. Nhiều đơn vị trong đó ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực.
Thúc đẩy xuất khẩu khẩu trang y tế xuyên biên giới trong 2021
Ông Gijae Seong cho biết, xuyên suốt mùa dịch Covid-19, cộng đồng nhà bán hàng đã nắm bắt nhu cầu mua sắm những ngành hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh như dụng cụ nhà bếp, đồ thể thao và trang trí nhà cửa. Đồng thời, một số đơn vị cũng xuất khẩu khẩu trang y tế trên Amazon Mỹ.
"Khẩu trang y tế, găng tay và quần áo bảo hộ cũng là 3 nhóm sản phẩm mà đội ngũ Amazon đã và đang tiếp tục làm việc với các nhà sản xuất Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu hơn nữa trong năm 2021", ông Gijae Seong nhấn mạnh.
Hiện một số nhà bán hàng Việt Nam đã xuất khẩu khẩu trang y tế, găng tay và quần áo bảo hộ qua Amazon. |
Trước đó, đại diện Amazon đánh giá các nhà bán hàng Việt Nam đã khá thành công và liên tục phát triển doanh số với các mặt hàng thời trang, nội thất, sản phẩm handmade như thiệp 3D, hoa giấy...
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) lại đánh giá cao sự tăng trưởng của các sản phẩm truyền thống Việt Nam, như nước mắm, dừa Bến Tre...
"Đây đều là những sản phẩm địa phương rất đặc biệt, trước nay chỉ lưu thông trên địa bàn nhỏ lẻ, do đó không ngại cạnh tranh khi bán trên sàn TMĐT quốc tế", ông khẳng định.
Chia sẻ về kết quả kinh doanh trên sàn TMĐT này, ông Trần Văn Tươi, CEO Công ty Sea Grapes, cho biết so với ngày thường, doanh số dịp sale Black Friday và Cyber Monday tăng 300%, còn ngày Lễ Tạ Ơn vượt 500%, dù là năm đầu tiên tham gia chương trình khuyến mại.
Đến nay, sản phẩm rong nho thương hiệu Trường Thọ của công ty không chỉ được người Mỹ tin dùng mà còn tiếp cận được các thị trường Anh, Pháp, Đức, Canada, Nhật Bản...
Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, tiềm năng phát triển của kênh bán hàng này càng được thể hiện rõ.
"Suốt thời gian dài, VECOM kết hợp với các sàn TMĐT tổ chức đào tạo cho nhiều nhà bán hàng, nhưng họ còn cân nhắc chi phí, nhân lực... Nhưng Covid-19 đã cho thấy những doanh nghiệp nào chưa sẵn sàng đành phải ngậm ngùi nhìn đối thủ bỏ xa. Do đó, sắp tới doanh nghiệp Việt Nam cần tham gia và tham gia ngay, đặc biệt là môi trường TMĐT quốc tế.
Dù mở gian hàng trên Amazon mà chưa có đơn hàng, thì thị trường trong nước cũng sẽ tăng trưởng, vì bản thân doanh nghiệp đã đổi mới nhiều về sản xuất và vận hành để đáp ứng yêu cầu của sàn TMĐT quốc tế", ông Nguyễn Ngọc Dũng khẳng định.
Ông Gijae Seong, Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ trong sự kiện mới đây. |
Nắm bắt nhu cầu này, đại diện Amazon Global Selling Việt Nam khẳng định trong năm 2021 sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới đối tác thanh toán, vận chuyển... tại Việt Nam. Đồng thời, mới đây, doanh nghiệp ra mắt Trung tâm thông tin bán hàng Amazon bằng ngôn ngữ tiếng Việt và thành lập đội ngũ chuyên trách tại Hà Nội, nhằm tăng cường hỗ trợ người bán hàng Việt Nam.
3 rào cản lớn nhất để xuất khẩu xuyên biên giới
Tuy nhiên, bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng vẫn còn 3 rào cản khiến một số nhà bán hàng khó nắm bắt cơ hội kinh doanh trên sàn TMĐT quốc tế.
Điều đầu tiên là kiến thức và kỹ năng. Theo bà Lại Việt Anh, ngoài những kiến thức về lĩnh vực xuất khẩu, quy trình xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp phải có hiểu biết những công cụ đặc thù của TMĐT. "TMĐT cung cấp các công cụ để tối ưu nhưng cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải tự tìm tòi, nâng cao", bà nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, xuất khẩu qua TMĐT hướng đến người dùng cuối, đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu thị trường và biết cách định vị thương hiệu, duy trì uy tín để đạt tăng trưởng bền vững.
Một rào cản khác cũng quan trọng không kém, trong quan điểm của bà Lại Việt Anh, là văn hóa và ngôn ngữ. "TMĐT xuyên biên giới đòi hỏi tính tương tác cao, trong khi đa phần nhà bán hàng Việt Nam thuộc quy mô vừa và nhỏ", bà bày tỏ lo ngại.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Nguyễn Nguyên, đại diện Tập đoàn Trung Nguyên cũng nhận thấy các vấn đề tương tự. Theo ông, điều quan trọng nhất trong kinh doanh là yếu tố con người, nhưng hầu hết doanh nghiệp Việt Nam chưa có đội ngũ đủ để vận hành theo hình thức mới, đặc biệt là TMĐT trong bối cảnh hậu Covid-19.
Trước mắt, để khắc phục những rào cản này, bà Lại Việt Anh cho biết Cục TMĐT và Kinh tế số đã hỗ trợ các nhà bán hàng về vấn đề thông tin qua mạng lưới tham tán trên toàn cầu, xuất bản gần 2.000 bản tin về các thị trường trên thế giới. Mặt khác, cơ quan này cũng đã tổ chức các chương trình tập huấn kiến thức và kỹ năng cho doanh nghiệp.
Giai đoạn 2021-2025, Cục TMĐT và Kinh tế số sẽ thảo luận với Amazon Global Selling để tiếp tục đào tạo kiến thức, kỹ năng và mang đến các hỗ trợ thực tế hơn cho nhà bán hàng về các vấn đề từ sản xuất, vận hành, kho bãi, quảng cáo, xây dựng thương hiệu...