Covid-19 trở thành chất xúc tác làm thay đổi mạnh mẽ hành vi người tiêu dùng, chuyển mạnh từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm trực tuyến. Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp trước đây chưa từng bán trực tuyến nay cũng bắt đầu tìm hướng thay đổi cách thức bán hàng, đưa hàng hoá lên sàn thương mại điện tử .
Doanh nghiệp Việt loay hoay tìm cách lên sàn TMĐT
Ông Hoàng Xuân Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế VAG, chia sẻ hiện nay công ty mới phát triển sản phẩm qua các hệ thống siêu thị lớn như Lotte, Big C... Trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng khách hàng mua sắm trực tiếp giảm đi, công ty đã phải tính đến giải pháp bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.
"Khi công ty tôi thử chạy trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử thì số lượng đơn hàng tăng chóng mặt", ông nói. Tuy nhiên, ông Hải cho biết hiện nay công ty chỉ đang trong quá trình “học nghề” và vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi sang phương thức bán hàng trên thương mại điện tử.
"Trong bối cảnh như hiện nay, nếu doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận với cách bán hàng online, chuyển đổi số thì sẽ gặp khó khăn rất lớn", ông Hải nhìn nhận.
Nhiều doanh nghiệp Việt đang loay hoay tìm cách bán hàng trên sàn TMĐT. Ảnh: T.H |
Cũng giống như doanh nghiệp của ông Hải, năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên anh Đào Duy Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm DakMark cũng loay hoay tìm cách đưa sản phẩm lên một số sàn thương mại điện tử.
Theo anh, doanh nghiệp còn thiếu trang thiết bị, nhân sự triển khai ứng dụng thương mại điện tử. Đặc biệt, nhân lực chưa đủ kiến thức, kỹ năng quản lý, vận hành, ứng dụng thương mại điện tử là điểm hạn chế lớn.
Gian hàng Việt trực tuyến sẽ ngăn ngừa hàng giả, hàng nhái
Tại hội nghị "Cơ hội cho Doanh nghiệp sản xuất Việt triển khai phân phối trên nền tảng thương mại điện tử trong bối cảnh mới", ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhìn nhận: "Hiện nay, quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt rất chậm khiến Việt Nam thụt lùi so với các nền kinh tế khác"
Theo ông Hải, chuyển đổi số với doanh nghiệp là cực kỳ thách thức nên khi có một gian hàng Việt trực tuyến với sự cung cấp, chia sẻ giải pháp của một doanh nghiệp sẽ huy động trí tuệ và giảm chi phí, hỗ trợ cho các doanh nghiệp khác.
Giao diện "Gian hàng Việt" trên một sàn thương mại điện tử. |
Ông Hải cho biết “Gian hàng Việt trực tuyến” với sự bảo trợ chất lượng của Bộ Công Thương sẽ giúp hàng hóa có uy tín hơn. Đặc biệt, thông qua gian hàng này cũng sẽ giúp doanh nghiệp chuyển đổi số tốt hơn, làm thị trường tốt hơn, nhất là các sản phẩm Việt, các hàng hóa đã có thương hiệu, hàng OCOP...
"Bước đầu chúng tôi đã ký kết với Sendo, Voso (Viettel Post), Tiki, sau này chúng tôi sẽ triển khai Gian hàng Việt trực tuyến trên hầu hết sàn thương mại điện tử ở Việt Nam và cả những sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới", ông Hải thông tin.
Ông Bùi Huy Hoàng, Phó giám đốc Trung tâm thông tin - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cũng khẳng định mua bán hàng hóa trên gian hàng Việt có phối hợp chặt chẽ sản xuất, phân phối sẽ giải quyết được câu chuyện hàng giả, hàng nhái và là khâu khép kín đảm bảo hàng hóa đến tay người tiêu dùng.