Trao đổi với Zing, đại diện chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+ cho biết đã làm việc với các nhà cung cấp trước Tết 4 tháng để lên số lượng dự phòng hàng hóa cho nhu cầu mua sắm dịp cuối năm. Tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị không được tiết lộ nhưng đơn vị này khẳng định đủ đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân.
Về thời gian hoạt động dịp Tết, VinMart sẽ mở cửa phục vụ khách mua sắm đến 12h ngày 11/2/2021 (tức ngày 30 tháng Chạp), trong khi với VinMart+ là 16h cùng ngày. Toàn bộ hệ thống hoạt động bình thường trở lại từ ngày 15/2/2021 (tức mùng 4 tháng Giêng).
Trong khi đó, đại diện Central Retail thông tin nhu cầu tiêu dùng các nhóm sản phẩm tươi như rau xanh, trái cây, thịt gia cầm, gia súc tại hệ thống siêu thị GO! và Big C bắt đầu tăng mạnh, dự báo tăng khoảng 50% vào dịp Tết Nguyên đán.
Đại diện Bộ Công Thương khẳng định sẽ không có tình trạng “sốt hàng” hoặc giá cả tăng cao đột biến vào dịp Tết. Ảnh: K.H. |
“Bộ phận thu mua của GO! và Big C đã làm việc với các nhà cung cấp để chuẩn bị nguồn cung ứng thịt lợn tăng khoảng 20%, thịt gia cầm tăng khoảng 25% so với Tết Canh Tý 2020. Đồng thời, tung ra nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn”, vị này nói.
Saigon Co.op thì đang dự trữ gần 5.000 tỷ đồng hàng hóa để phục vụ nhu cầu trước, trong và sau Tết Tân Sửu, tăng gần 20% so với năm trước. Trong đó, ưu tiên đầu tư cho 9 nhóm hàng bình ổn thị trường gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả và thủy hải sản.
MM Mega Market cũng chuẩn bị gần 450 tỷ đồng tổng giá trị hàng tiêu dùng cho dịp Tết Nguyên đán 2021. Siêu thị này tập trung vào các mặt hàng nhu yếu phẩm như thực phẩm tươi sống, nước giải khát, hàng đông lạnh, đồ gia dụng và sản phẩm bánh kẹo, mứt phục vụ nhu cầu khách hàng.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội, cho biết đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa, tổ chức các điểm bán, các chương trình bán hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Nhu cầu mua sắm cuối năm và dịp Tết Tân Sửu dự báo tăng 15-20%. Ảnh: K.H. |
Các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch khai thác lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng 7-22% so với kế hoạch Tết năm 2020, nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn TP Hà Nội khoảng 39.400 tỷ đồng, tăng khoảng 5%.
Ở TP.HCM, dự báo của Sở Công Thương TP.HCM cho thấy nhu cầu thị trường trong dịp Tết Tân Sửu 2021 tăng ít nhất 10% so với Tết Canh Tý 2020. Do đó, các doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng Tết với kinh phí lên tới 19.680 tỷ đồng, tăng 652 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Các doanh nghiệp, nhà phân phối trên địa bàn cũng cam kết giữ giá sản phẩm và thực hiện luân phiên các đợt giảm giá cho hàng hóa thiết yếu như thực phẩm tươi sống, bánh kẹo, nước giải khát.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công Thương), nhận định dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2021, sức mua trên thị trường sẽ tăng 15-20%, trong đó tập trung vào các mặt hàng lượng lương thực, thực phẩm.
“Sức mua tăng do niềm tin của người tiêu dùng vào sự ổn định kinh tế vĩ mô, cùng với thu nhập của người dân thời điểm cuối năm tăng. Bên cạnh đó, người dân đang có xu hướng chuyển sang sử dụng các hàng hóa chất lượng cao, có nguồn gốc rõ ràng”, ông Đông nói.
Về giá cả, Bộ Công Thương cho rằng sẽ không có biến động lớn do các doanh nghiệp bán lẻ đã lên kế hoạch khuyến mại, giảm giá. Còn tại các chợ dân sinh, những ngày cận Tết, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống thường có biến động tăng do nhu cầu tăng mạnh.