Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Đồng Nai có 231 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên các cơ sở y tế công lập nghỉ việc. Con số này cao hơn nhiều so với các năm trước.
Bác sĩ Lê Quang Trung, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Đồng Nai, nhận định đây là tình trạng "chảy máu chất xám" trong ngành y, đang xảy ra ở mức báo động.
Ngành y tế Đồng Nai đã tìm nhiều cách giữ chân nhân viên y tế giỏi và bù đắp sự thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng tại các bệnh viện công, song chưa có biện pháp căn cơ.
Nhiều người rời bệnh viện công
Trao đổi với Zing, bác sĩ Lê Quang Trung thông tin tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc đã xảy ra vài năm nay chứ không phải từ khi dịch Covid-19 vừa qua đi.
Khoảng 3-4 năm trước, khi các bệnh viện tư nhân mở ra nhiều, tung mức đãi ngộ cao đã "hút" nhiều bác sĩ và điều dưỡng từ các cơ sở y tế công lập.
Từ đó đến nay, các bệnh viện công luôn bị động trước tình trạng các bác sĩ nghỉ việc nhiều. Các cơ sở y tế liên tục tuyển dụng bác sĩ mới vào làm việc, nhưng chất lượng ban đầu không bằng các bác sĩ cũ - vốn là những người có chuyên môn cao.
Nhân viên y tế phải chịu áp lực công việc cao trong khi chế độ đãi ngộ thấp. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Bác sĩ Trung dẫn chứng hiện nay các bệnh viện công tại Đồng Nai không nhận được hồ sơ ứng tuyển chức danh điều dưỡng do mức lương, đãi ngộ thấp. Việc thiếu điều dưỡng ảnh hưởng lớn đến quá trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân vì đội ngũ này là những người thực hiện phần lớn các y lệnh của bác sĩ.
Tại các trung tâm y tế tuyến huyện, việc thiếu nhân viên y tế còn trầm trọng hơn khiến nơi đây hoạt động cầm chừng, bác sĩ thì "lèo tèo" và không có cơ hội phát triển.
Bác sĩ Trung cho rằng nguyên nhân khiến nhân viên y tế bỏ bệnh viện công vì không được tạo môi trường nâng cao tay nghề và mức đãi ngộ thấp.
“Một nhân viên y tế khi làm việc cần hai yêu cầu song hành là môi trường làm việc tốt và thu nhập đảm bảo. Thiếu một trong hai điều này sẽ khiến họ dao động trong tư tưởng, thay đổi môi trường làm việc khi có lời mời”, bác sĩ Trung nói.
Từng tâm sự với nhiều bác sĩ đã chuyển công tác để nắm được tâm tư, nguyện vọng, vị Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai nhận được câu trả lời lý do họ nghỉ việc đều liên quan đến 2 nguyên nhân kể trên.
Thông thường, các ca mổ sẽ do các trưởng, phó khoa, bác sĩ làm việc lâu năm thực hiện. Bác sĩ mới vào nghề ít được trao cơ hội thực hành nghề nên ít kinh nghiệm va chạm thực tế.
Khi sang các bệnh viện tư, họ được phân công phẫu thuật nhiều hơn, đồng nghĩa thu nhập và chuyên môn được cải thiện hơn.
"Bác sĩ nghỉ việc hay bám trụ cũng một phần do lãnh đạo bệnh viện có phân công nhiệm vụ, trao cơ hội, tạo môi trường làm việc tốt cho họ hay không", bác sĩ Trung cho hay.
Khó giữ chân bác sĩ khi tự chủ “nửa vời”
Nhân lực đang thiếu hụt nghiêm trọng nhưng bác sĩ Trung thừa nhận ngành y tế chưa có biện pháp căn cơ để giữ chân nhân viên y tế. Những giải pháp đang thực hiện lâu nay chưa thực sự đem lại hiệu quả.
Hiện, Đồng Nai cũng có chính sách thu hút bác sĩ khi trả tiền một lần 100-150 triệu đồng, tùy theo trình độ và đào tạo cử tuyển (hỗ trợ học sinh giỏi học y khoa, sau đó về làm việc cho tỉnh 5-10 năm).
Tuy vậy, vì không có chế độ trả lương đặc biệt, nhiều người trong số này vẫn rời bệnh viện công.
Bộ Y tế chưa có thông tư quy định giá viện phí dịch vụ nên các bệnh viện công lập ở Đồng Nai dù đã mở các khoa dịch vụ nhưng lúng túng vì gặp nhiều rào cản pháp lý. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Bác sĩ Trung thông tin thêm hiện một số bệnh viện ở Đồng Nai đã tự chủ một phần để thu hút bệnh nhân, phát triển kỹ thuật cao, tạo thêm nguồn thu nhập cho nhân viên y tế.
Song, việc tự chủ không đồng đều, nơi làm tốt, nơi làm đủ "sống", nơi thì mãi trong vòng luẩn quẩn thiếu nhân lực phát triển kỹ thuật cao...
Phần khác, Bộ Y tế chưa có thông tư quy định giá viện phí dịch vụ nên các bệnh viện công lập dù đã mở các khoa dịch vụ nhưng lúng túng vì gặp nhiều rào cản pháp lý.
“Cần nhất là cơ chế thoáng, giao quyền lớn hơn cho các bệnh viện. Các cơ sở y tế cần được tự chủ giá viện phí, nhân sự, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh,… mới giữ chân được bác sĩ”, ông Trung nhìn nhận.
Trước thực trạng chảy máu chất xám lực lượng y tế công, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng đã chỉ đạo ngành y tế nghiên cứu, đề xuất chính sách giúp nâng cao thu nhập, giữ chân y, bác sĩ, nhân viên của bệnh viện công.
Sở Y tế Đồng Nai đã thực hiện dự thảo đề án nâng cao chất lượng y tế cơ sở trình lên UBND tỉnh. Việc này được hy vọng là một trong những bước đệm để phát triển hệ thống y tế công lập Đồng Nai, tín hiệu tốt giúp giữ chân nhân viên y tế.
“Làn sóng” nghỉ việc của nhân viên y tế còn diễn ra ở Hà Nội và TP.HCM. Trong 2 năm qua, có gần 900 nhân viên y tế, bác sĩ ở Hà Nội xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Chỉ tính riêng năm 2021, có hơn 1.000 nhân viên y tế tại TP.HCM nghỉ việc và trong quý I/2022 đã có gần 400 người nghỉ việc.
Ngày 29/6, Bộ Y tế vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị sự nghiệp trực thuộc bộ và sở y tế các tỉnh, thành báo cáo tình hình viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc và nguyên nhân. Ngoài ra cần có những kiến nghị, đề xuất với chính quyền địa phương, Bộ Y tế và Chính phủ.