Sáng 28/2, UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản hỏa tốc gửi Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3 và Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân về việc hỗ trợ ngư dân gặp thời tiết xấu, cạn kiệt nguồn lương thực, thực phẩm tại quần đảo Trường Sa.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, từ ngày 2 đến 12/2, có khoảng 131 tàu cá với 524 ngư dân trên địa bàn huyện đảo Phú Quý xuất bến đi hoạt động khai thác hải sản, dịch vụ tại khu vực vùng biển xa. Họ đã chuẩn bị nguồn lương thực, thực phẩm cho chuyển biển với thời gian dự kiến 17-20 ngày.
Tuy nhiên, do thời tiết vùng biển khu vực Trường Sa có gió cấp 7, giật cấp 8, 9, sóng cao 3-4,5 m kéo dài, các tàu cá vào neo đậu tránh trú bão ở các đảo Đá Lát (quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) và không thể quay về Phú Quý. Do tránh trú nhiều ngày, các tàu cá cạn kiệt nguồn lương thực, thực phẩm, nước ngọt dự trữ.
Trong khi đó, dự báo trong khoảng hơn một tuần nữa tại vùng biển từ Phú Quý đến quần đảo Trường Sa tiếp tục ảnh hưởng gió mùa, gió cấp 8, 9, sóng biển cao 4-5 m; các tàu cá buộc phải neo đậu tránh trú gió tại đảo Đá Lát, không thể quay về Phú Quý; còn tàu khác cũng không thể xuất phát từ Phú Quý ra đảo Đà Lạt để tiếp tế lương thực, nước uống.
“Nếu không có biện pháp hỗ trợ kịp thời thì các phương tiện neo đậu tại các âu tránh trú bão sẽ thiếu hụt lương thực, thực phẩm, nước ngọt nghiêm trọng, nguy cơ ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng của ngư dân”, văn bản của UBND tỉnh Bình Thuận nêu.
Sáng cùng ngày, trao đổi với Zing, đại diện tuyên huấn Vùng 4 Hải quân cho biết sau khi nắm tình hình, lãnh đạo Vùng 4 Hải quân đã chỉ đạo, trước mắt cấp phát cho mỗi tàu cá 15 kg gạo, 60 lít nước ngọt để bà con yên tâm trong khi chờ thời tiết ổn định.
“Hiện, ngư dân lên các đảo tránh trú rất đông, tuy nhiên công tác cấp phát lương thực đã được thực hiện ngay và đầy đủ để đảm bảo bà con không bị thiếu thốn trong khi ở trên đảo. Lãnh đạo Vùng 4 Hải quân đang chỉ đạo sát sao công tác đảm bảo an toàn cho bà con những ngày sắp tới”, đại diện tuyên huấn Vùng 4 Hải quân thông tin.
Những cuốn sách hay về miền Nam
Đế quốc An Nam và người dân An Nam - bên cạnh thông tin tổng quan về địa lý, sản vật, tập quán ở nước ta hồi thế kỷ XIX, nhiều thông tin quan trọng về sông Mekong, địa lý Đàng Ngoài và Đàng Trong, nhất là Sài Gòn xưa, được ghi chép chi tiết.
Ký họa về Đông Dương - Nam Kỳ là một bộ tranh gồm hàng trăm bức ký họa có giá trị nghệ thuật đặc sắc, phản ánh trực quan, sinh động về đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa ở Sài Gòn và Nam Kỳ đầu thế kỷ XX.