Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng rong ở phố

Hàng rong là một nét đặc trưng của phố thị. Những người phụ nữ nông thôn tất tả đạp xe ngược xuôi khắp phố lớn, ngõ nhỏ. Sau yên xe của họ là bao vất vả, lo toan.

Pho phuong mot thuo anh 1

Những xe đạp chở hoa đi bán rong đã tô điểm thêm sắc màu cho phố phường Hà Nội. Ảnh: HNM.

Người bạn tôi có bà mẹ gần chín chục tuổi. Cao niên nhưng bà vẫn minh mẫn. Nội chuyện trong nhà, chợ búa cơm nước đều một tay bà đảm nhiệm. Người Hà Nội gốc nên bà cầu kỳ và nghiêm cẩn trong mọi chuyện sinh hoạt, nhất là đồ ăn thức uống. Bao nhiêu năm nhưng những gì tinh túy cổ xưa vẫn được bà gìn giữ tịnh không suy suyển.

Bà làm đồ ăn rất khéo. Những món cầu kỳ như chả rươi, nem rán… ăn một lần chẳng thể quên bởi nó vẫn giữ hương vị xưa. Bí quyết đã đành nhưng điều đáng ngạc nhiên là: Mọi thứ từ gia vị đến nguyên liệu bà không phải đi chợ như xưa mà chỉ ngồi nhà vẫn đầy đủ. Thì ra là do mối quan hệ cung cầu và lâu năm, nên tất tần tật những thứ bà cần cho mọi nhu cầu, những chủ hàng quen biết của bà đều mang đến trao tận tay.

Họ chính là những người bán hàng rong mà bao nhiêu năm nay phố phường không bao giờ thiếu vắng.

Hàng rong phố phường thì nhiều vô thiên lủng. Đủ các loại mặt hàng từ các vật dụng đến đồ ăn thức uống. Thời hiện đại, Hà Nội trở nên rất chật hẹp. Cơ man là người. Những con phố cũ không thể mở rộng nên dù nhà cửa được cơi nới xây dựng cao lên thì vẫn đường ấy, ngõ ấy. Vậy mà tài tình, cánh hàng rong đông đúc vẫn có đất tồn tại.

Sáng sớm, từ những chợ hoa nổi tiếng và nổi tiếng ở ngoại thành những thúng hoa tươi được chằng buộc rất khéo vào xe đạp để chở được nhiều, nhưng vẫn khoe được sắc của các loại hoa.

Người bán là những người phụ nữ ăn mặc giản dị. Họ đạp xe, dắt xe luồn lách trong các con phố hẹp để mang đến tận nhà những bó hoa rực rỡ, tươi thắm cho từng gia chủ tùy theo thói quen và tâm tính của họ. Mùa nào thức nấy. Sen, hồng, huệ, cúc… Cũng có những người bán rong thật sự chứ không phải có mối quen biết để bỏ. Những người này đa phần thuộc dân nghèo nông thôn đi ra thành phố kiếm ăn thời vụ.

Họ cứ dắt xe đi lang thang trong phố hoặc chọn một địa điểm nào đấy để dựng xe. Khách hàng đi qua có nhu cầu là tạt vào. Muộn chút là quà sáng. Món này cũng bó hẹp vào những món quà dân dã như xôi, bánh mỳ, bánh cuốn, bánh khúc, bánh giò, bánh tẻ, bánh gio…

Hoa quả cũng thế, từ chợ hoa quả đầu mối Long Biên, cam, quýt, mít, xoài… đủ loại được xếp vào thúng mủng quang gánh. Xe đạp cũng có thậm chí là xe máy không hiếm. Những thúng sọt hoa quả tươi rói ta có thể bắt gặp ở mọi con phố. Các bà nội trợ kỹ tính nhưng tin tưởng ở mối quen nên vẫn hay sử dụng nguồn hàng tiện lợi này. Tất nhiên giá có đắt hơn ngoài chợ chút đỉnh.

Thực phẩm là thứ rất kén nguồn hàng, nhưng trên thực tế những hàng rong bán thực phẩm vẫn tồn tại chủ yếu trong các khu phố cổ, phố cũ.

Một chị hàng thịt cắp cái thúng, bên trong có cái cân nho nhỏ, cái thớt xinh xinh. Dọi của bà này, thăn của cô đây. Sườn hôm nay lò mổ họ không lọc thăn, thôi rim nước mắm cũng được chị ạ. Không à, vậy để em lọc ra, nhanh thôi mà. Cứ thế, mồm nói, tay cắt, tay cân, chân bước chỉ vài con phố là hết sạch cái thúng bên hông nặng trĩu.

Thịt lợn, thịt bò, gà, vịt… đủ cả. Rau cũng vậy, những bó rau mơn mởn mới cắt được lưu thông trong mọi con phố.

Phạm Ngọc Tiến/ NXB Trẻ

SÁCH HAY