Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng quán ở miền Tây nơi không còn chỗ ngồi, nơi chỉ bán mang về

Dịch Covid-19 có dấu hiệu giảm ở miền Tây nên nhiều nơi hàng quán không còn chỗ ngồi lúc cao điểm. Riêng Bạc Liêu chỉ cho bán mang về nên nhiều chủ quán đã “kêu cứu”.

Tối 6/1, khu ẩm thực lẩu băng chuyền tại Vincom Plaza Sóc Trăng chật kín khách. Nhiều người đứng chờ bên ngoài lúc 18h30 nhưng vẫn không được vào ăn uống dù có người rời bàn vì nhân viên từ chối nhận thêm khách mới.

Đến 19h cùng ngày, các quán ăn như Tý Ka, Hùng Mai, Bò 5 Sánh… trên đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Văn Linh của TP Sóc Trăng cũng đầy khách. Một số quán hết phòng vì địa phương này trở lại vùng xanh sau nhiều tháng chính quyền địa phương chỉ cho bán mang về (vùng cam, dịch cấp độ 3).

Người dân tự tin ngồi hàng quán

Hơn một tuần trước, TP Sóc Trăng từ vùng cam trở lại vùng vàng khiến các cơ sở kinh doanh ăn, uống phấn khởi vì được phục vụ tại chỗ. Với cấp độ 2 của dịch, mỗi bàn ăn chỉ 4 người và mỗi bàn cách nhau 2 m nhưng khách vẫn vui vì được la cà hàng quán để thư giãn sau nhiều tháng chỉ ăn uống tại nhà.

Noi khong co cho ngoi,  noi chi ban mang ve anh 1

Lẩu băng chuyền tại Vincom Plaza Sóc Trăng chật kín khách tối 6/1. Ảnh: Việt Tường.

Ngày 5/1, tỉnh Sóc Trăng giảm cấp độ dịch từ 3 xuống 2. Đối với cấp huyện, TP Sóc Trăng, thị xã Ngã Năm, huyện Mỹ Xuyên trở thành vùng xanh và có 6 địa phương vùng vàng nên việc kinh doanh ăn uống của người dân tiếp tục thuận lợi hơn khi Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sắp đến.

Tại phường 4, TP Sóc Trăng có một quán ẩm thực quy mô 1,5 ha, có nhiều phòng và chòi riêng biệt ven hồ là điểm đến lý tưởng của khách ăn uống vào mỗi buổi chiều. Sau nhiều tháng không cho khách mở karaoke, từ 5/1, quán này đã phục vụ loại hình này trở lại nên nhiều người đã đặt tiệc sinh nhật, tất niên…

“Những quán ẩm thực có phòng hoặc chòi riêng biệt nên gia đình tôi rất thích đến ăn uống và câu cá vào cuối tuần. Người thân ở quê lên chơi cũng tự tin đi quán có phòng, chòi riêng biệt để phòng dịch Covid-19”, chị Trịnh Thị Linca ở khu đô thị 5A chia sẻ.

Trên đường Lê Duẩn, TP Sóc Trăng có một quán ẩm thực chuyên phục vụ bò tơ đã đóng cửa nhiều tháng vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Khi dịch bệnh giảm và địa phương áp dụng các quy định thích ứng an toàn, đã có doanh nghiệp đầu tư mở lại quán hải sản tại mặt bằng này.

Tại Cần Thơ, toàn thành phố đang áp dụng cấp độ 3 của dịch Covid-19 nhưng nhà hàng, quán ăn uống được phục vụ tại chỗ. Những quán lớn đã kê bàn giãn cách, hoạt động 50% công suất để phòng, chống dịch Covid-19.

Noi khong co cho ngoi,  noi chi ban mang ve anh 2

Khách vào quán giải khát tại Sóc Trăng luôn có ý thức ngồi giãn cách để phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Việt Tường.

Theo Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển, những hoạt động tập trung được phép 30 người. Đám tang, tiệc cưới được đặt 3 bàn, mỗi bàn 10 người để đảm bảo công tác phòng dịch.

Qua quan sát, quán giải khát Pha Lê trên đường Trần Văn Hoài, TP Cần Thơ có rất nhiều khách. Tuy nhiên, mỗi bàn chỉ 4 người ngồi và khách chủ động thực hiện giãn cách, thường xuyên mang khẩu trang, sát khuẩn tay…

Hàng trăm quán ăn, uống ở Bạc Liêu “kêu cứu”

Sau một thời gian dài tỉnh Bạc Liêu áp dụng cấp độ 3, chính quyền địa phương chỉ cho quán ăn, uống bán mang đi, không phục vụ tại chỗ. Không chỉ vậy, các quán chỉ được phép mở cửa từ 4-19h hàng ngày khiến nhiều cơ sở kinh doanh ăn, uống thua lỗ.

Từ ngày 3/1 đến nay, gần 100 chủ quán ăn, uống đã gửi đơn đến cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu “kêu cứu”, mong muốn được phục vụ khách tại chỗ. Theo một chủ quán, ảnh hưởng dịch Covid-19 nên họ cùng chung tay với chính quyền đóng cửa cơ sở kinh doanh từ tháng 5/2021. Sau hơn nửa năm ngưng hoạt động, chủ quán không còn khả năng đóng tiền thuê mặt bằng, tiền lãi ngân hàng và chi phí mưu sinh của gia đình.

“Rất nhiều hàng quán chúng tôi buộc phải trả mặt bằng, phá sản, nhân viên mất việc làm phải bỏ quê đi tỉnh khác. Chúng tôi rơi vào cảnh kiệt quệ, nợ nần chồng chất, rất mong cơ quan chức năng cho phép hoạt động có giới hạn công suất”, một chủ quán chia sẻ.

Noi khong co cho ngoi,  noi chi ban mang ve anh 3

Một quán giải khát ở Bạc Liêu tạm dừng kinh doanh nhiều tháng vì chính quyền địa phương không cho phục vụ tại chỗ. Ảnh: Nhật Hồ.

Trao đổi với Zing, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu Bùi Quốc Nam cho biết tỉnh vừa họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, thống nhất áp dụng cấp độ 2 của dịch từ ngày 8/1. Đối với cấp huyện, tỉnh Bạc Liêu không còn vùng cam (cấp 3), 4 huyện, thị vùng xanh và 2 địa phương vùng vàng.

“Xã, phường cấp 2 được phục vụ tại chỗ, mỗi bàn 4 người, cách nhau 2 m. Toàn tỉnh có 64 xã phường, trong đó 24 đơn vị cấp 2, 40 cấp 1”, ông Nam nói.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, từ 8/1, địa phương cũng hủy bỏ quy định về việc quán ăn, uống chỉ được mở cửa từ 4-19h.

Cấm ăn uống tại chỗ ở 'vùng cam', người tiêu dùng sẽ đến 'vùng vàng'

Nhiều chủ nhà hàng, quán ăn và chuyên gia cho rằng không nên cấm dịch vụ ăn uống tại chỗ ở quận "vùng cam" vì sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm từ các quận này sang quận "vùng vàng".

Việt Tường

Bạn có thể quan tâm