Hà Nội đã ghi nhận 8 địa phương ở cấp độ 3 (vùng cam), gồm các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Long Biên, Hoàng Mai.
Theo đó, những khu vực này phải tạm dừng hoạt động, dịch vụ không thiết yếu; nhà hàng, quán ăn, uống không phục vụ tại chỗ, chỉ bán hàng mang về, đóng cửa trước 21h; cấm hoạt động chợ cóc, chợ tạm; cơ sở lưu trú hoạt động không quá 50% công suất.
Theo ghi nhận của Zing, trên các tuyến đường thuộc "vùng cam", những tấm biển thông báo "bán mang về", tấm vách ngăn được đặt trở lại để tuân thủ công tác phòng, chống dịch. Nhiều chủ nhà hàng, quán ăn cho biết dù rất buồn nhưng vì quy định của cơ quan chức năng nên phải tuân thủ.
Ông Hoàng Tùng - chủ chuỗi Pizza Home - cho biết 20 cơ sở của đơn vị đều thuộc khu vực phải tạm dừng phục vụ tại chỗ do đó, những cơ sở này đều đã chuyển sang mô hình bán mang đi.
Nhiều nhà hàng, quán ăn, cà phê trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm đã quyết định đóng cửa hẳn. Ảnh: Thạch Thảo. |
Thiệt hại nặng nề
Theo ông, người làm kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống sẽ có 3 nguồn thu: khách ăn tại quán, khách đến mua mang về và bán mang đi qua shipper. Tuy nhiên, nguồn thu từ việc bán mang về không thể bằng được nguồn thu khi phục vụ khách tại chỗ.
"Đặc biệt trong bối cảnh dịp cuối năm, khách hàng ăn uống tại quán sẽ là lượng khách đem lại doanh thu nhiều nhất. Nhưng hiện tại, phải dừng phục vụ tại chỗ ở 8 quận, phần lớn doanh nghiệp F&B như chuyên kinh doanh buffet, lẩu nướng... sẽ thiệt hại cực kỳ nặng nề", ông nhìn nhận.
Ông Tùng cho rằng dịch bệnh trong 2 năm qua đang khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành dịch vụ ăn uống chết lâm sàng. "Đa số họ trông chờ dịp cuối năm để vớt vát lại doanh thu nhưng hiện tại hy vọng đó lại bị dập tắt. Việc bán mang về chỉ thuận lợi với những đơn vị đã quen với mô hình kinh doanh này và có sản phẩm phù hợp", ông nói.
"Thời điểm khó nhất, chúng tôi đã phải trả lại những mặt bằng không hiệu quả, dịch chuyển mô hình sang mảng giao đồ ăn và phát triển thêm mô hình mới", ông nói thêm.
Cảnh phố vắng, quán đóng cửa nghỉ bán cũng tương tự trên phố Khương Thượng (quận Đống Đa). Ảnh: Thạch Thảo. |
Thậm chí, nhiều nhà hàng, quán ăn, cà phê trên địa bàn các quận được yêu cầu dừng phục vụ ăn uống tại chỗ đã quyết định đóng cửa hẳn vì "bán mang về không mấy khả quan".
Thở dài khi nghe tin hàng quán ở quận Đống Đa phải bán mang về từ 13/12, chị Nguyễn Linh - chủ quán phở trên đường Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa) - cho rằng việc bán hàng mang về hiện cũng không mấy khả quan.
"Suốt một năm nay phải đóng cửa phòng dịch, vừa mở cửa bán trở lại chưa được bao lâu thì phải bán mang về. Một ngày chỉ được vài chục đơn bán mang đi trong khi thường ngày bán được 150-250 đơn, giờ khách chuyển sang ăn ở quận khác hết", chị nói.
"Nếu trừ đi chi phí vận hành, nhân công, tiền mặt bằng, tiền nguyên vật liệu thì quán lỗ nặng, không cầm cự nổi", chị than.
Một số khác thắc mắc chỉ cấm quận này, khách hàng sẽ sang hàng quán quận khác để ngồi ăn. Chẳng hạn như ở đường Trường Chinh, phía bên này là quận Đống Đa vắng vẻ vì chỉ bán mang về, phía bên kia là quận Thanh Xuân lại đông đúc khách.
"Như vậy sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm cho các quận khác. Một là cho mở hết, hai là yêu cầu đóng hết", anh H. chủ một quán cà phê tại quận Đống Đa, sốt ruột.
Không mấy hiệu quả
Theo ghi nhận thực tế, khi những địa bàn trên đóng cửa dịch vụ ăn uống tại chỗ, người tiêu dùng Hà Nội đã tìm sang quận, phường khác cách nhau chỉ vài chục mét để ăn uống.
Hoàng Trang (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng việc cấm hàng quán ở quận vùng cam nhưng không cấm ở quận vùng vàng chỉ khiến khách hàng như chị tìm đến hàng quán ở quận vùng vàng nhiều hơn.
"Ngày hôm qua tôi cũng tìm đến quán cà phê ở quận Cầu Giấy để ngồi khi các quán quen ở quận Đống Đa hay, Hoàn Kiếm đã đóng cửa", chị nói.
Trao đổi với Zing, PGS Nguyễn Việt Hùng - Phó chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội - cho rằng việc cấm hàng quán ở một số quận phục vụ ăn uống tại chỗ không có tác dụng trong việc giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19. "Bởi khi cấm quận này, người dân lại sang quận khác ăn uống bình thường", ông nói.
Nhiều người cho rằng Hà Nội nên xem xét điều chỉnh việc áp dụng dừng bán ăn uống tại chỗ ở quận này nhưng quận khác vẫn thực hiện. Ảnh: Đức Anh. |
Theo ông, việc cấm bán tại chỗ ở các quận vùng cam còn gây khó khăn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống. Thay vì tìm cách "siết" một số hoạt động, quan trọng nhất là phải có giải pháp để điều trị, hỗ trợ điều trị F0 để không bị diễn biến nặng, nếu diễn biến nặng không tử vong, giảm quá tải cho ngành y tế và các bệnh viện.
"Hơn nữa, việc yêu cầu đóng cửa trước 21h cũng không làm giảm khả năng lây nhiễm hay độc lực của virus. Tôi nghĩ chúng ta cần giao trách nhiệm cho chính chủ nhà hàng. Thậm chí các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường việc giám sát, quản lý”, PGS Hùng nói.
Việc cấm bán tại chỗ ở phạm vi một số quận không có tác dụng trong việc làm giảm nguy cơ lây nhiễm mà còn gây khó khăn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống.
PGS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội.
Nhận định về việc Hà Nội liên tiếp vượt kỷ lục số ca nhiễm nCoV trong thời gian gần đây, PGS Nguyễn Việt Hùng cho rằng điều này sẽ làm gia tăng tỷ lệ số ca mắc nặng và tử vong lên.
"Mặc dù, hầu hết người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, nhưng vẫn còn trẻ em, người già mắc bệnh nền chưa được tiêm", ông nói.
Ngoài việc quan tâm tổ chức cách ly, điều trị, Hà Nội vẫn cần tăng cường biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là ý thức người dân, doanh nghiệp. "Nếu như thời kỳ chưa tiêm vaccine, người dân khá nghiêm túc đeo khẩu trang thì hiện nay, dường như họ nghĩ rằng đã tiêm đủ vaccine nên khá lơ là trong việc này", chuyên gia này nhìn nhận.
Hơn nữa, việc thực hiện giãn cách tại các nhà hàng, quán ăn cũng không đảm bảo. "Hiện nay, cần phải cố gắng vận động tiêm vaccine cho đối tượng có nguy cơ cao. Đồng thời thực hiện nghiêm 5K, đặc biệt tại khu vực công cộng", ông nói.
Tại TP.HCM, khi quận 4 nâng cấp độ dịch từ vùng vàng lên vùng cam, UBND quận này đã yêu cầu hàng quán giảm công suất còn 50%, các cơ sở kinh doanh như nhà hàng, quán ăn chỉ phải dừng phục vụ đồ uống có cồn.
Một số hoạt động kinh doanh mua bán, quận thông tin để người dân thực hiện các biện pháp hạn chế theo quy định của cấp độ dịch.