Theo Straits Times, cuộc đình công diễn ra trong bối cảnh mua sắm trực tuyến bùng nổ tại Hàn Quốc do đại dịch Covid-19. Hôm 9/6, khoảng 2.100 thành viên của Liên minh Đoàn kết Công nhân Chuyển phát Bưu kiện ngừng làm việc để tham gia biểu tình, sau cuộc đàm phán bất thành giữa công đoàn với chính phủ và các công ty hậu cần lớn.
Trên thực tế, người lao động và các công ty hậu cần đạt được một thỏa thuận hồi tháng 1 sau khi các nhân viên giao hàng đình công đòi quyền và sự bảo vệ tốt hơn. Có tới 16 người đã qua đời vào năm ngoái do làm việc quá sức.
Các công ty bao gồm CJ Logistics, Lotte Global Logistics và Hanjin Transportation hứa sẽ thực hiện những biện pháp nhằm giảm bớt gánh nặng cho các tài xế giao hàng, chẳng hạn thuê thêm nhân công phân loại bưu kiện, sử dụng công nghệ tự động hóa quy trình. Tuy nhiên, họ không giữ lời.
Liên minh cho biết các công ty hậu cần "nhận những lợi ích lớn trong nhiều thập kỷ" khi buộc nhân viên giao hàng phải dành nhiều giờ để phân loại bưu kiện miễn phí.
Coupang - gã khổng lồ thương mại được mệnh danh là "Amazon của Hàn Quốc" - đang đối mặt với áp lực lớn từ dư luận. Ảnh: Reuters. |
Họ cho rằng việc phân loại bưu kiện nên là một công việc riêng. Hầu hết nhân viên giao hàng được thuê theo hợp đồng, nhận tiền dựa trên số bưu kiện được giao chứ không phải số giờ làm việc.
Gã khổng lồ thương mại Coupang đang đối mặt với áp lực dư luận ngày càng lớn, sau khi một nhân viên giao hàng của công ty tử vong do làm việc quá sức hồi tháng 3 năm nay. Theo dữ liệu chính thức, trước đại dịch, chỉ 1-4 nhân viên giao hàng tử vong mỗi năm.
Tháng trước, Coupang đã công bố kế hoạch cho phép nhân viên giao hàng nghỉ phép có lương trong vòng một tháng khi cần nghỉ ngơi. Kế hoạch nằm trong nỗ lực "cải thiện điều kiện làm việc cho tất cả tài xế trong ngành hậu cần Hàn Quốc".
Khoảng 40.000 tài xế giao hàng đang làm việc tại Hàn Quốc. Từ lâu, họ đã phàn nàn về việc phải lao động quá sức. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn vào năm ngoái, sau khi đại dịch thúc đẩy nhu cầu tăng vọt.
Khoảng 3,37 tỷ bưu kiện đã được vận chuyển vào năm ngoái, tăng 21% so với trước đại dịch. Thị trường giao đồ ăn cũng chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ với mức tăng 79%, đạt 17.400 tỷ won (15,61 tỷ USD) vào năm ngoái.
Các nhân viên giao hàng phải làm việc 12-14 tiếng mỗi ngày, tăng từ 10 tiếng trước đại dịch. Họ có thể thực hiện 600 đơn hàng chỉ trong một ngày.
Trong số 16 tài xế giao hàng tử vong vào năm ngoái, một số người qua đời vì đau tim, một số khác bị xuất huyết não. Tháng 10/2020, một tài xế đã tự tử và để lại lời nhắn: "Tôi quá mệt mỏi rồi".