Khung cảnh điêu tàn như ngày tận thế, khói bốc lên rải rác, các khung lều cháy rụi, những mảnh kim loại rúm ró, đen đúa là những gì còn lại sau vụ cháy kinh hoàng tối 8/9 ở khu tị nạn Moria. Phía trên, các máy bay trực thăng cố dập tắt những đám cháy âm ỉ. Chỉ vài ngày trước, trại Moria trên đảo Lesbos, Hy Lạp là nơi ở của hàng nghìn người, gồm nhiều trẻ em.
Nhiều người vẫn hy vọng có thể vớt vát chút đồ dùng sinh hoạt bên dưới đống tro tàn. Một thanh niên hỏi cảnh sát xem có thể vào trại tìm đồ không nhưng họ lắc đầu và nói anh ngày mai hãy quay lại vì chưa chắc lửa đã tắt. Ở khu vực khác, các thanh niên trai tráng đi giữa làn khói, kéo theo những đồ đạc họ tìm được.
Theo Guardian, gần 13.000 người ở trong khu trại khi xảy ra hỏa hoạn. Moria nằm trong lệnh phong tỏa kể từ tháng 3 và đã bị quá tải gấp 4 lần số lượng người di cư. Tình trạng quá tải và điều kiện mất vệ sinh ở Moria vốn gây ra sự phẫn nộ trong cộng đồng quốc tế kể từ khi trại được thành lập năm 2015.
“Chúng tôi không có nơi nào để đi”
Somaya, 27 tuổi, tốt nghiệp ngành chính trị học ở Afghanistan, ngồi lặng lẽ ôm bọc đồ của mình. Trước vụ cháy, cô sống trong khu trại dành cho những phụ nữ độc thân.
“Mọi thứ diễn ra quá nhanh”, Somaya nói. “Cảnh sát đã sơ tán chúng tôi và chỉ vài phút sau, toàn bộ khu vực của chúng tôi bị lửa thiêu rụi”, theo Guardian.
Từ đêm 8/9, Somaya phải ngủ trên đường cùng hàng nghìn người khác. “Chúng tôi trải qua một đêm rất tồi tệ hôm 10/9, không đồ ăn thức uống, không có bất cứ thứ gì”, cô kể.
Người tị nạn và người di cư ngủ tại bãi đậu xe của một siêu thị sau đám cháy ở trại Moria trên đảo Lesbos, Hy Lạp, hôm 11/9. Ảnh: Reuters. |
Ali, 19 tuổi, sống một mình ở Moria, nói rằng mọi người đang phải vật lộn để thích nghi. Đêm 9/9, mọi người túm tụm trước cửa các siêu thị và đồn cảnh sát vì lạnh. “Chúng tôi không có nơi nào khác để đi”, anh nói.
Mặc dù được tiếp viện thức ăn, Ali không ăn gì trong gần hai ngày nay. “Mọi thứ rất tồi tệ và ngày càng tệ hơn. Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra”.
Faris Al-Jawad từ tổ chức từ thiện Médecins Sans Frontières cho biết nhóm của ông đã điều trị cho các em bé bị ngạt khói và chăm sóc những trẻ nhỏ trên đường nhiều ngày qua.
Ông Faris nói phản ứng của chính quyền rất hời hợt. Mọi người cần được sơ tán ngay lập tức đến đất liền và các nước châu Âu khác, ông nói thêm.
Chưa có kế hoạch xây trại mới
Trên khắp hòn đảo, ngọn lửa đã thổi bùng sự phẫn nộ, tuyệt vọng và chia rẽ trong cộng đồng. Một số người dân địa phương cảm thông với người tị nạn nhưng số khác lại cho rằng trại sẽ không được xây lại nữa.
Hôm 10/9, dân địa phương đã dùng hai chiếc xe tải để chặn đường không cho các phương tiện xây dựng tiếp cận khu trại.
Thị trưởng Stratis Kytelis của Mytilene, thủ phủ của Lesbos và là nơi sinh sống của hầu hết 85.000 người dân trên đảo, cũng nằm trong số những người phản đối xây trại mới. Ông nói với truyền thông địa phương rằng ông sẽ không chấp nhận bất kỳ việc mở cửa trở lại nào của cơ sở Moria.
Trẻ em và đồ đạc được đặt vào thùng rác và kéo đi sau đám cháy trại Moria. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, những người tị nạn từ khu trại Kara Tepe nhỏ hơn cách đó 5 km sẵn sàng chia sẻ thức ăn và chỗ ở cho họ nhưng cũng không giúp được nhiều.
Chính quuyền địa phương dường như chưa có kế hoạch chính thức nào để giúp đỡ người tị nạn Moria, cũng như không có dấu hiệu của các chuyến phà đang trên đường đến Lesbos.
Hàng nghìn người chạy trốn khỏi đám cháy không có nơi nào để đi. Gia đình của Mohammed, 35 tuổi, người từng là nhân viên chính phủ ở Afghanistan, cũng phải ngủ trên đường.
“Làm ơn, tình hình này quả thực là không thể chịu đựng được”, anh nói.