Hàng nghìn con cua có nọc độc đã tràn vào vùng nước nông ở St Ives để lột xác trước khi quay trở lại độ sâu chúng thường sống - khoảng 90 m dưới mực nước biển, Guardian đưa tin ngày 6/8.
Loài giáp xác này dễ nhận dạng với phần chân và càng dài, có nọc độc dùng để săn mồi nhưng vô hại đối với con người. Tuy nhiên, sự hiện diện của chúng với số lượng lớn tại bãi biển Porthgwidden đủ để khiến nhiều người tắm biển phải rời đi.
Cua nhện tràn vào vùng nước nông tại một bãi biển ở St Ives, Cornwall, Anh để thay vỏ. Ảnh: BNPS. |
Kate Lowe, một nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh biển, đã chụp được sự kiện này.
“Tôi lặn biển hầu hết thời gian trong năm, nhưng tôi chưa bao giờ nhìn thấy cua nhện với số lượng như vậy. Khi chúng tôi quay trở lại bờ biển, cảnh tượng trông như thể có rất nhiều tảng đá sẫm màu ngay dưới bề mặt nước", cô nói.
“Chỉ cần bước 2-3 bước xuống nước là có hàng nghìn con cua. Điều này thực sự không thể tin được, chỗ đó nước chỉ cao đến đầu gối. Rất nhiều khách du lịch đã hét lên khi nhìn thấy chúng. Vỏ của lũ cua trôi bập bềnh xung quanh”, Kate mô tả.
Các chuyên gia cho biết việc cua nhện xuất hiện ở vùng biển của Anh không phải chuyện lạ, nhưng số lần loài này tràn vào các vùng nước nông với lượng lớn như vậy đang có tần suất nhiều hơn vào mùa hè, do nhiệt độ nước biển tăng cao vì khủng hoảng khí hậu.
Cua nhện thường tụ tập với số lượng lớn ở vùng nước nông để tự bảo vệ mình khỏi kẻ săn mồi trong quá trình lột xác.