Với số lượng chỉ còn khoảng 300 cá thể, cá voi trơn Bắc Đại Tây Dương là một trong những loài động vật có vú sống dưới biển đối diện với nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới. Con người đã săn bắt loài vật này đến mức chiến lợi phẩm thu được đã góp phần định hình nên thế giới hiện đại. Dầu cá voi bôi trơn các cỗ máy của Cách mạng Công nghiệp và thắp sáng nhiều thành phố. Trong ảnh, một con cá voi trơn Bắc Đại Tây Dương được nhìn thấy từ tàu Helen H, ngoài khơi Barnstable, bang Massachusetts, Mỹ. |
Trong thời gian vắng du khách vào cuối mùa đông, nhóm nghiên cứu gồm sáu thành viên từ Trung tâm Anderson Cabot về Cuộc sống Đại dương của Thủy cung New England đã thuê tàu Helen H để ra khơi quan sát cá voi. “Các nhà nghiên cứu cá voi phải có sự kiên nhẫn của một nhà sư và khả năng chạy nước rút của một vận động viên”, Philip Hamilton, người đã làm việc tại thủy cung 33 năm, cho biết. Lý do là cá voi có thể xuất hiện bất ngờ sau khoảng thời gian không có động tĩnh gì. Trong ảnh, nhóm nghiên cứu đang thu thập thông tin về những con cá voi từ tàu Helen H. |
Sự ra đời của dầu mỏ đã cứu loài cá voi trơn khi người ta không còn phụ thuộc vào các sản phẩm thu được từ quá trình săn bắt loài vật này. Năm 1935, các quốc gia trên thế giới đồng ý ngừng săn bắt cá voi. Theo một ước tính thận trọng từ các nhà sinh vật học, hơn ba thế kỷ săn bắt cá voi trơn đã tiêu diệt ít nhất 5.500 cá thể loài này ở khu vực Tây Đại Tây Dương. |
Trong hai thập kỷ gần đây, quần thể cá voi trơn phục hồi một cách chậm chạp, với số lượng cá thể đạt gần 500 con vào năm 2010. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi đang chững lại khi loài này vật lộn với các mối nguy đến từ con người. Trong ảnh, số lượng cá thể cá voi trơn chào đời được ghi nhận giảm dần qua các năm. |
Không còn thợ săn, các vùng nước lại đầy rẫy những mối đe dọa khác, chẳng hạn, cá voi có thể mắc kẹt vào lưới hay va vào tàu thuyền của con người. Trong ảnh, hai nhà nghiên cứu Amy Warren và Kelsey Howe đang xem xét những bức ảnh chụp được về cá voi trơn. |
Loài cá voi trơn còn đối diện với một mối nguy nữa đến từ biến đổi khí hậu. Các vùng nước ấm lên khiến động vật phù du di chuyển đến nơi khác, đặt những con cá voi vào tình trạng nguy hiểm khi săn mồi ở những vùng nước không được bảo vệ. Trong ảnh, Amy Warren đang so sánh những bức ảnh về cá voi trơn mới chụp được với những bức ảnh đã có trong kho dữ liệu. |
Sắp tới, việc hàng loạt tuabin gió được xây dựng ngoài khơi - một phần trong chương trình nghị sự về năng lượng sạch của Tổng thống Joe Biden – cũng sẽ xâm phạm môi trường sống của loài cá voi trơn. |
Từ năm 2008, nhà chức trách Mỹ đã yêu cầu các tàu thuyền lớn hơn 65 feet (gần 20 m) di chuyển chậm trong khu vực sinh sống của cá voi trơn vào một số thời điểm nhất định trong năm. Tuy nhiên, việc thực thi luật trên vùng biển rộng không phải điều dễ dàng. Hơn nữa, thuyền kích thước nhỏ vẫn có thể gây nguy hiểm cho cá voi. Trong ảnh là những khu vực bảo tồn cá voi trơn ở Bờ Đông nước Mỹ. |
Để thu thập ADN và nồng độ hormone của cá voi, các nhà nghiên cứu được phép sử dụng nỏ chuyên dụng để lấy mẫu sinh thiết. Amy Warren cho biết cô đã chứng kiến nhưng chưa bao giờ tự mình thu thập mẫu sinh thiết của cá voi. Theo cô, việc này đối với sinh vật lớn như cá voi chỉ giống với "vết muỗi đốt". Trong ảnh, Warren đang cầm chiếc nỏ được sử dụng để thu thập mẫu sinh thiết của cá voi trơn. |
Warren chia sẻ công việc nghiên cứu loài vật này là “một chuyến tàu lượn của cảm xúc”. Mỗi chú cá voi được sinh ra đều mang lại sự hứng khởi. Ngược lại, sự lo lắng sẽ đến khi một cá thể chết đi. Hiện, số người đang làm việc để cứu những chú cá voi trơn còn nhiều hơn là số lượng của loài vật này, cô cho biết. Trong ảnh, thuyền trưởng tàu Helen H, Joe Huckemeyer, đang trò chuyện với hai nhà nghiên cứu Philip Hamilton và Amy Warren. |