Không khó để tìm thấy những bằng chứng về mối liên hệ hàng thế kỷ giữa Wada - thị trấn ven biển Minamiboso, tỉnh Chiba, miền Nam Nhật Bản - với hoạt động săn bắt cá voi.
Khi đến thăm thị trấn nằm trên bờ biển Thái Bình Dương này, du khách được chào đón bởi một mô hình bộ xương cá voi xanh, thưởng thức món cốt lết cá voi chiên tại các nhà hàng địa phương và mua những món quà lưu niệm tại một cửa hàng gần đó.
Hình ảnh cá voi được đưa vào một cảng ở Kushiro, Hokkaido, Nhật Bản, ngày 1/7/2019. Ảnh: AP. |
Vào năm 2019, khi Nhật Bản rút khỏi Ủy ban săn bắt cá voi quốc tế (IWC) - một cơ quan cấm đánh bắt cá voi - thị trấn Wada vui mừng với hy vọng quay trở lại hoạt động săn bắt và tiếp tục khai thác nguồn thức ăn đã duy trì hơn 400 năm qua.
Tuy nhiên, ở Wada và các thị trấn săn bắt cá voi khác tại Nhật Bản hiện nay, hoạt động săn bắt cá voi không khởi sắc như mong đợi của nhiều người địa phương.
Ngành công nghiệp săn bắt cá voi của nước này đang phải đối mặt với nhiều trở ngại: Ngư dân lớn tuổi, tàu thuyền lạc hậu, những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, và thực tế rằng người Nhật không còn đủ ưa chuộng thịt cá voi để khiến việc săn bắt chúng trở thành một công việc kinh doanh có lãi.
“Một thất bại về kinh tế”
Sau khi lệnh cấm săn bắt cá voi của IWC có hiệu lực vào năm 1986, Nhật Bản đã duy trì truyền thống này thông qua “một lỗ hổng” - IWC cho phép cá voi bị giết chết vì mục đích nghiên cứu khoa học, với hạn ngạch do chính phủ xác định, theo Telegraph.
Trong khi bỏ qua lệnh cấm của IWC và thực hiện các cuộc săn lùng vì mục đích khoa học ở Nam Cực, từ lâu Nhật Bản biện hộ rằng việc tiếp tục hoạt động săn bắt cá voi thương mại là cách duy nhất để đảm bảo nguồn cung ổn định và kích thích “sự hồi sinh” trong xu hướng tiêu dùng.
“Tất cả bằng chứng đều đi theo hướng ngược lại", ông Patrick Ramage, Giám đốc cấp cao tại Quỹ Quốc tế về Phúc lợi Động vật, nói với Guardian.
"Dù săn lùng trên biển cả vì mục đích khoa học hay săn bắt ở vùng ven biển nhằm tìm kiếm lợi nhuận, hoạt động đánh bắt cá voi ở Nhật Bản vẫn là một thất bại về kinh tế, chỉ được duy trì nhờ trợ cấp chính phủ”, ông nhận định.
Hình ảnh món cốt lết cá voi chiên tại một nhà hàng địa phương ở thị trấn Wada, Nhật Bản. Ảnh: Guardian. |
Ông Ramage tin rằng tương lai của các thị trấn săn bắt cá voi già cỗi phụ thuộc vào du lịch sinh thái. “Việc quan sát cá voi đang đóng góp ngày càng lớn cho các nền kinh tế của nhiều địa phương trên toàn thế giới, đặc biệt là ở những địa điểm trước đây từng tiến hành hoạt động săn bắt chúng".
"Nên để khách du lịch chi trả cho việc ngắm cá voi hơn là buộc người đóng thuế trả tiền để tiếp tục hoạt động săn bắt”, ông nói thêm.
Theo số liệu từ chính phủ Nhật Bản, chỉ có 300 người liên quan trực tiếp đến hoạt động săn bắt cá voi, trong khi loài động vật này chỉ chiếm khoảng 0,1% tổng lượng thịt tiêu thụ trên cả nước vào năm 2016.
Nhưng ông Yoshinori Shoji, Chủ tịch Gaibo Hogei, một công ty đánh bắt cá voi hơn 70 năm tuổi ở Wada, cho biết việc từ bỏ hoạt động săn bắt ven biển là điều không tưởng.
“Tôi biết điều đó đang gây tranh cãi ở nhiều nước khác trên thế giới nhưng đối với chúng tôi, cá voi chỉ đơn giản là một nguồn thực phẩm”, ông nói.
Để giữ cho truyền thống săn bắt của thị trấn tồn tại, thịt cá voi được phục vụ hai lần một năm tại các trường tiểu học địa phương và trẻ em được mời đến xem những người thợ săn cá voi thực hiện công việc của mình.
"Tại sao chúng ta không nên ăn thịt cá voi?", ông Shoji nói. “Con người luôn ăn động vật hoang dã. Công việc của tôi là mang đến cho mọi người cơ hội được thưởng thức và khen ngợi thịt cá voi được đánh bắt tại địa phương. Chúng tôi không ép buộc bất kỳ ai ăn cả".
Sự thay đổi bí ẩn
Tuy nhiên, 30 người làm việc trong ngành săn bắt cá voi ở Wada đang gặp khó khăn. Từ tháng 4 đến tháng 10/2020, họ chỉ bắt được 9 con cá voi và thu hoạch số lượng tương tự cho đến tháng 12.
Ông Shoji tin rằng sự nóng lên ở một số vùng biển có thể đã khiến những con cá voi di chuyển xa hơn về phía bắc, trong khi những cơn bão ập đến thường xuyên đã khiến hai chiếc thuyền săn cá voi của thị trấn không thể rời cảng trong nhiều ngày liên tục.
Người dân quan sát cá voi tại một cảng ở Kushiro, Hokkaido, Nhật Bản, ngày 1/7/2019. Ảnh: AP. |
Bà Junko Sakuma, một nhà báo tự do và chuyên gia kinh tế về hoạt động săn bắt cá voi của Nhật Bản cho biết ngành công nghiệp này sẽ phải dừng lại nếu không được chính phủ trợ cấp 5,1 tỷ yen/năm (khoảng 44,5 triệu USD).
“Chính phủ đã nói rằng họ không thể tiếp tục hỗ trợ những gì được cho là mối lo ngại về kinh tế”, bà nói.
Bà cho biết: “Khi Nhật Bản rời IWC, các quan chức ngành thủy sản nghĩ rằng họ sẽ có thể đánh bắt đủ nhiều để duy trì ngành công nghiệp này. Nhưng trên thực tế, hoạt động săn bắt cá voi đã thu hẹp lại”.
Nghịch lý thay, việc chấm dứt các cuộc "đụng độ" hàng năm của Nhật Bản với tổ chức chống săn bắt cá voi Sea Shepherd, có thể đang đẩy nhanh sự suy giảm của ngành công nghiệp truyền thống này.
Bà Sakuma nói: “Trước đây, người Nhật luôn kháng cự vì họ không thích người da trắng bảo họ không được ăn thịt cá voi. Nhưng hiện tại, các quốc gia như Australia, Anh và Mỹ hầu như không đề cập đến việc này. Vì vậy, người Nhật không còn gì để chống lại, cuối cùng, họ có thể đã lãng quên món ăn này”.
Trước đó, Kyodo Senpaku - công ty vận hành tàu săn bắt cá voi tầm xa duy nhất của Nhật Bản - đặt mục tiêu giành lại nhu cầu tiêu dùng để khôi phục ngành công nghiệp này.
“Mục tiêu của chúng tôi là những người giàu có và thế hệ trẻ. Càng lớn tuổi, người Nhật sẽ càng coi cá voi là một loại thực phẩm cấp thấp”, ông Hideki Tokoro, giám đốc công ty Kyodo Senpaku, nói với Financial Times. Tuy nhiên, những nỗ lực này chưa đủ để vực dậy ngành công nghiệp đang trên bờ vực tàn lụi này.