Hình ảnh ông Simon Kofe trong bộ vest với ống quần xắn cao, đứng phát biểu trước bục dựng trên biển đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý về cuộc đấu tranh chống mực nước biển dâng cao của Tuvalu, Reuters đưa tin.
“Tuyên bố được đưa ra bên cạnh hội nghị COP26 chỉ ra tình huống thực tế mà Tuvalu phải đối mặt do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đồng thời nêu bật hành động mạnh mẽ mà Tuvalu thực hiện để giải quyết vấn đề cấp bách là di chuyển dân cư trong điều kiện biến đổi khí hậu”, ông Kofe cho biết trong bài phát biểu được quay lại.
Bộ trưởng Ngoại giao Tuvalu quay lại bài phát biểu trước hội nghị COP26 khi đứng dưới biển ở Funafuti. Ảnh: Reuters. |
Một quan chức chính phủ cho biết đoạn video được đài truyền hình TVBC quay tại một đảo nhỏ ở thủ đô Funafuti.
Nó sẽ được trình chiếu tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Liên Hợp Quốc vào ngày 9/11, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo khu vực thúc đẩy hành động mạnh mẽ hơn để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.
Nhiều nước gây ô nhiễm nhất thế giới đã tuyên bố tăng cường cắt giảm lượng phát thải carbon trong những thập kỷ tới, hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của đảo quốc Thái Bình Dương yêu cầu thế giới cần hành động ngay lập tức, chỉ ra rằng sự sống còn của các quốc gia vùng trũng, thấp đang bị đe dọa.
Trước COP26, có thông tin cho rằng 1/3 các quốc đảo và vùng lãnh thổ nhỏ ở Thái Bình Dương sẽ không có bất cứ nhà lãnh đạo nào tới hội nghị thượng đỉnh ở Glasgow do các hạn chế đi lại trong đại dịch.
Việc thiếu đại diện cấp cao của các quốc gia Thái Bình Dương tại cuộc họp dẫn đến lo ngại rằng mối quan tâm của những nước này sẽ không được trình bày một cách thích hợp tại hội nghị thượng đỉnh.
Vào tháng 10, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), mực nước biển dâng có thể đe dọa nhấn chìm Quần đảo Marshall, quốc gia nằm ở phía bắc Thái Bình Dương.