HÀNG MÃ TỪ LÒ SẢN XUẤT TỚI NƠI THÀNH TRO BỤI
Không chỉ là vật phẩm cúng tiến của người sống đối với những người đã khuất, vàng mã là một phần của văn hóa lễ hội. Tuy nhiên, việc hóa vàng ở nhiều nơi diễn ra với số lượng lớn, biến tướng theo các mục đích phi văn hóa, lãng phí.
Kiếm sống từ nghề làm vàng mã
6h sáng, chị Khuyên tất bật quét dọn mảnh vỉa hè nhỏ trong khu chợ Nam Đồng để bày hàng cho buổi chợ ngày mới. Chỗ ngồi quen thuộc đã gắn bó với chị hơn 20 năm, được người chủ nhà tốt bụng cho ngồi nhờ.
“Nhỏ xíu thôi nhưng thứ gì cũng có, hương, nến, đồ mã, lịch vạn sự…”, vừa nhanh tay bày biện các mặt hàng, chị Khuyên vừa nói.
Lấy chồng là công nhân cơ khí Hà Nội những năm đầu thập niên 90, cô gái quê Hà Nam được người em chồng mách nước bán đồ hàng mã làm kế sinh nhai. Ban đầu chị cũng chỉ nghĩ bán thử vì trước giờ chưa từng kinh doanh, sau vài buổi chợ, thấy mình có thể đảm đương được, công việc bán hàng gắn với chị đến tận bây giờ.
N
hững ngày đầu, chị Khuyên đi lấy hàng ở Làng Cót (quận Cầu Giấy) hay ở quận Long Biên (Hà Nội) rồi đi xa hơn đến huyện Thường Tín hoặc sang tận Bắc Ninh. Số lượng đặt mỗi ngày một nhiều nên xe hàng chở đến tận nơi. Hơn 20 năm, vẫn gian hàng nhỏ trên vỉa hè, chị bảo không có ý định mở lớn, bởi chị thấy như thế này là đủ rồi, được ngồi nhờ không mất phí nên giá một vài mặt hàng của chị thấp hơn so với các cửa hàng khác trong chợ, gặp mưa vài bận không chạy kịp bị ướt một chút hàng cũng không đáng kể.
Công việc nuôi hai con học đại học từ ngày chồng chị nghỉ việc năm 2011 tới nay, hai vợ chồng cứ thế túc tắc làm ăn.
Vừa nghe điện thoại, chị nhanh tay ghi lại các mặt hàng người khách quen đặt: “Bận rộn nhất là những ngày cuối năm, đầu năm và rằm tháng bảy, tôi bán hàng không ngơi tay. Người mua còn phải xếp hàng ấy. Phú quý sinh lễ nghĩa mà, càng ngày càng thấy người ta mua nhiều hơn thôi”.
“Năm nào sau Tết cũng thấy bàn tán chuyện đốt hay không đốt, tôi nghĩ chắc cũng chẳng cấm được vì đây là chuyện tâm linh của mỗi người. Nếu có cấm thì tôi vẫn tiếp tục bán các hàng khác như hương, nến”, chị chia sẻ.
Hối hả thu mấy đôi chân ngựa giấy phơi ngoài hiên, bà Tuyết chép miệng: “Ra Tết cứ mưa lâm râm suốt thôi, đồ cứ phải để mãi mới khô được”. Gia đình bà là một trong những hộ sản xuất đồ mã của làng nghề truyền thống Phúc Am (Thường Tín, Hà Nội).
Những ngày này, người dân làng nghề đã phần nào dễ thở hơn so với trước Tết. Họ vẫn làm không ngơi tay nhưng ít phải thức đêm thức hôm để hoàn thành đơn hàng giao cho khách.
“Sau Tết chủ yếu là khách hàng đặt để đi lễ đầu năm, mở phủ. Ngoài làm hàng ra chúng tôi còn phải mang đến tận nơi rồi sắp xếp, bày biện cho khách”, anh Nguyễn Văn Thắng, người có thâm niên làm vàng mã gần chục năm nay nói.
Theo anh Thắng, lượng vàng mã sản xuất có chiều hướng giảm so với mọi năm. Có lẽ do nhu cầu dùng đồ vàng mã tại thủ đô không nhiều, người Hà Nội chủ yếu đốt tiền vàng mã nhỏ. Còn những mô hình vàng mã lớn như ngựa, voi, hình người, hình chúa... cỡ lớn thì được xuất đi các tỉnh, phục vụ các đền, phủ, miếu.
Tỉ mỉ dán từng miếng hình nhỏ lên khung nứa đã tạo sẵn, anh Phùng Thanh Doanh cho biết nghề làm vàng mã nhìn tưởng chừng như nhẹ nhàng nhưng thực tế thì không phải như vậy. Mỗi hình nhân gồm nhiều chi tiết, người thợ phải thật chăm chút, khéo tay dán đều dán đẹp, mười hình như một mà vẫn phải đảm bảo được tiến độ công việc.
Cơ sở sản xuất của anh Phùng Thanh Doanh đã được gây dựng 14 năm, tạo công ăn việc làm cho 10 lao động. Nhờ sản xuất nghề vàng mã truyền thống mà nhiều gia đình trong làng đã thoát nghèo, có những gia đình nhiều thế hệ, đời này qua đời khác bám trụ cuộc sống với nghề sản xuất vàng mã. Tuy nhiên, hiện nay nhiều hộ cũng sản xuất, sự cạnh tranh vì thế càng khốc liệt hơn, chưa kể còn phải cạnh tranh với các làng nghề vàng mã khác.
“Ngày trước có khoảng chục hộ in ấn giấy tiền nhưng hiện nay chỉ gia đình tôi là còn làm thôi. Nhiều nhà không cạnh tranh được với bên Bắc Ninh, ở đó người ta có nguồn giấy tại chỗ, công nghệ hiện đại hơn, giá tốt hơn nên khách hàng cũng đổ về đấy nhiều”, anh Nguyễn Văn Kiên, chủ cơ sở in ấn tiền giấy duy nhất ở làng Văn Hội (Văn Bình, Thường Tín) chia sẻ.
Nhiều hộ làm vàng mã cho biết vừa qua cũng đã biết thông tin Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyên mọi người hạn chế đốt vàng mã. Tuy nhiên, điều này cũng không ảnh hưởng quá lớn đến công việc.
Theo họ, đây là chuyện tâm linh, nhiều người đốt tiền mã để tâm lý được thoải mái, nhiều người lại có đức tin về thế giới bên kia. Nếu cấm vàng mã thì người dân cũng sẽ có những hình thức khác để phục vụ nhu cầu của mình.
Hiện tại, theo giấy đăng ký kinh doanh các doanh nghiệp trên cả nước có khoảng trên 40 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng mã, giấy đế (một loại giấy cúng thần được người dân thị trường nước ngoài dùng, thu về hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, là nguồn thu chủ lực của nhiều công ty. Năm 2017, mảng kinh doanh độc đáo là vàng mã, giấy đế mang về cho Công ty cổ phần Thực phẩm Yên Bái tới 168 tỷ đồng, Công ty cổ phần Hàng Kênh là 56,2 tỷ đồng.
Hóa 100 kg vàng mã để lấy may
Đó là số lượng vàng mã được hóa cho người dân “lấy đỏ” (xin lửa) về nhà lấy may trong năm mới tại lễ hội truyền thống làng An Định (Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội). Hàng năm, cứ vào tối 11 tháng Giêng, các cụ cao niên trong làng mang toàn bộ vàng hương ra làm lễ trước Thành hoàng làng rồi tổ chức hoá tại sân đình.
Ngay từ chập tối, đông đảo người dân trong làng cùng du khách thập phương đã đợi sẵn đón chờ xem lễ tế. Theo truyền thống của làng, vàng hương dâng cúng là lộc của nhà thánh, truyền lại cho nhân dân và du khách thập phương qua ngọn lửa hồng khi hoá. Người dân tự mang hương theo hoặc nhận miễn phí tại cửa đình để châm lửa.
Sau khi tế lễ, vàng hương được mang ra giữa sân, lửa Thánh được châm từ cây sào lớn để hoá. Ngay khi vàng mã bén lửa, người dân trong làng với những bó hương chuẩn bị trước, chụm vào "lấy đỏ". Ai cũng muốn châm được lửa trước vì cho rằng gia đình họ sẽ gặp được nhiều may mắn hơn.
Em Dương Trọng Anh Quân cùng chú họ của mình vội vã trở về nhà sau khi xin được lửa tại sân đình. Cậu bé 10 tuổi đã bàn trước với chú mình chạy xe đạp cho nhanh mặc dù quãng đường về nhà chỉ khoảng hơn 200 m. Đây đã là lần thứ hai Anh Quân được tự tay đi lấy đỏ tại đình làng.
Sau khi về tới nhà, cậu bé dành 3 nén hương thắp lên ban thờ tổ tiên của gia đình. Những năm trước đây khi còn nhỏ, Anh Quân thường được theo ông và bố đi lấy đỏ.
Người đi xe đạp, người đi xe máy, tiếng cười nói nhộn nhịp cả con phố giữa đêm khuya.
Ngọn lửa tại sân đình dần tắt sau gần 30 phút bùng cháy. Cụ Nguyễn Văn Phú là một trong những người cuối cùng "lấy đỏ" về nhà sau khi cùng các bô lão đảm bảo nghi lễ tổ chức nghiêm trang, an toàn và vui vẻ cho toàn bộ dân làng An Định.
Đổ xô cúng tiến vàng mã cầu may
Không khó để bắt gặp hình ảnh người dân đốt vàng mã trên mọi ngả đường ở Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt sau Tết Nguyên đán. Người dân tiến hành nhiều nghi lễ giải hạn, lễ đầu năm, lễ chúng sinh… lượng vàng mã vì thế mà càng tăng lên.
Đền Bảo Hà (Lào Cai) những ngày này luôn rực lửa tại khu vực hóa vàng, những người đến đây lễ cầu xin đủ thứ trong cuộc sống, người cầu công danh kẻ cầu sự nghiệp thậm chí có những người còn cầu trúng lô đề cờ bạc…
Vào đợt cao điểm dịp tháng Giêng và tháng bảy (âm lịch), mỗi ngày hàng chục đoàn tới hầu. Họ mang theo rất nhiều vàng mã và đồ lễ, nhiều nhất là ngựa mã để đốt cho vị tướng quân Hoàng Bẩy. Mỗi con ngựa có giá từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng, trước khi “hóa” đều được thầy cúng ghi đầy đủ tên tuổi của người làm lễ.
Tất cả vàng mã được đốt chung tại một lò được xây kiên cố và có cả một đội nhân viên của nhà đến phụ trách việc bê mã bỏ vào lò nếu được nhờ. Những ngày cao điểm như dịp tháng Giêng này, lò thiêu vàng mã gần như chẳng bao giờ tắt lửa.
Cũng trong tình trạng tương tự, đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) nô nức người đến "vay nợ" đầu năm. Càng mong muốn ăn nên làm ra, người đi vay càng phải cúng nhiều tiền mã.
Vừa hóa vàng vừa lầm rầm cầu nguyện, chị Trần Thị Ngọc (Bắc Giang) chia sẻ: "Những năm gần đây, tôi thường đến đây để cầu may mắn trong năm, xin Bà Chúa Kho cho vay vốn làm ăn. Cuối năm đều đến trả lễ, làm ăn được tôi còn trả gấp 5 gấp 10 lần lúc vay".
Đó chỉ là một trong số hàng nghìn người mỗi ngày vẫn tấp nập đổ về đền. Chưa có một nghiên cứu chính xác rằng tại sao đi lễ ở đền Bà Chúa Kho lại mang tài lộc về. Đối với nhiều người, đây là tự do tín ngưỡng. Họ tin vào thế giới tâm linh thì sẽ thành tâm cầu nguyện xin cho mọi điều tốt đẹp sẽ đến với họ và người thân.
Và khi lòng tin của con người trong xã hội ngày nay còn nương náu nơi cửa phật, đền chùa... thì những lò hóa vàng vẫn luôn cháy rực.