Hiện tại, theo giấy đăng ký kinh doanh các doanh nghiệp trên cả nước có khoảng trên 40 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng mã, giấy đế (một loại giấy cúng thần được người dân thị trường nước ngoài dùng). Tuy nhiên, hầu hết đều là các cơ sở sản xuất hoặc doanh nghiệp tư nhân và chỉ một vài trong số này là doanh nghiệp có quy mô.
'Gà đẻ trứng vàng' vàng mã
Các đơn vị kinh doanh vàng mã của Việt Nam hiện tại, bên cạnh doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề kinh doanh, còn có những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Với các công ty đại chúng có công bố thông tin kinh doanh, kết quả phần lớn đều tốt. Có những đơn vị thu hàng trăm triệu mỗi ngày nhờ vàng mã.
Nổi bật trong số các doanh nghiệp kinh doanh vàng mã phải kể tới Công ty cổ phần Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái (CAP), Công ty cổ phần Hàng Kênh hay Công ty cổ phần Tập đoàn Hapaco… với khoản doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm từ mặt hàng vàng mã, giấy đế.
Năm 2017, mảng kinh doanh độc đáo là vàng mã, giấy đế mang về cho Công ty cổ phần Thực phẩm Yên Bái tới 168 tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước. Mảng kinh doanh này hiện đóng góp 62% tổng doanh thu của công ty.
Bình quân mỗi ngày, Thực phẩm Yên Bái thu về tới gần 500 triệu đồng chỉ từ bán vàng mã, giấy đế. Những năm trước đó, doanh thu từ vàng mã đóng góp tới 40-50% tổng doanh thu công ty.
Cũng "hốt bạc" từ vàng mã, giấy đế là Công ty cổ phần Tập đoàn Hapaco. Năm 2017, lãi ròng của công ty này là 13,6 tỷ đồng. Đóng góp không nhỏ cho kết quả kinh doanh của Hapaco là từ mảng kinh doanh, in ấn vàng mã xuất khẩu.
Chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2017 nhưng các năm trước đó, báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Hàng Kênh cũng cho thấy doanh nghiệp này thu về hàng trăm tỷ đồng mỗi năm từ vàng mã, giấy đế.
Cụ thể, năm 2016, Hàng Kênh có 443 tỷ đồng doanh thu và 34 tỷ đồng lãi trước thuế. Riêng doanh thu từ xuất khẩu hơn 5.590 tấn giấy đế là 56,2 tỷ đồng. Tính ra mỗi ngày, mảng kinh doanh vàng mã, giấy đế đem về cho Hàng Kênh trên 153 triệu đồng.
Lợi nhuận của phần kinh doanh giấy đế của Hàng Kênh trong năm 2016 lên đến 13 tỷ đồng. Sản phẩm của doanh nghiệp này chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường như Đài Loan, Trung Quốc.
Người dân đốt vàng mã đêm giao thừa. Ảnh: Hoàng Hà. |
Vàng mã 'lấn át' các ngành nghề kinh doanh khác
Nhìn vào cơ cấu doanh thu của các doanh nghiệp nói trên có thể thấy vàng mã và giấy đế đóng góp tương đối nhiều, thậm chí lấn át cả các ngành nghề kinh doanh khác
Ngoài doanh thu từ vàng mã, giấy đế là nguồn thu chính đóng góp 62% tổng doanh thu của công ty, Thực phẩm Yên Bái còn ghi nhận doanh thu từ mảng tinh bột sắn với hơn 83 tỷ đồng, tương đương 31% tổng doanh thu. Đây cũng là mảng kinh doanh chủ đạo của Thực phẩm Yên Bái bên cạnh vàng mã trong nhiều năm, còn lại là doanh thu từ tinh dầu quế và giấy lề.
Năm 2017, doanh thu thuần của Hapaco giảm hơn 10% so với năm 2016, đạt trên 380 tỷ đồng. Lãi gộp của Hapaco cũng giảm 33%, đạt 53 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận vẫn dương, đạt 13,6 tỷ đồng và có đóng góp phần lớn từ kinh doanh in ấn vàng mã xuất khẩu, bên cạnh việc giảm các chi phí khác như lãi vay, bán hàng, quản lý doanh nghiệp...
Trong cơ cấu doanh thu của Hapaco, vàng mã xuất nhập khẩu cùng với các sản phẩm giấy khác là nguồn thu chính đóng góp tới 99% vào tổng doanh thu tập đoàn. Ngoài ra, những mảng kinh doanh dịch vụ như vận tải, bất động sản, bệnh viện… chỉ mang về cho Hapaco một phần nhỏ doanh thu hàng năm dù tài sản đầu tư cao gấp đôi so với vàng mã và các sản phẩm giấy khác.
Còn tại Hàng Kênh, cơ cấu doanh thu năm 2016 của doanh nghiệp này có đến gần 13% đến từ vàng mã, giấy đế.
Báo cáo tài chính năm 2016 của Hàng Kênh cho biết mảng kinh doanh chính là sản xuất giày dép đã gặp khó khăn do số lượng đơn hàng ít và nhỏ lẻ. Doanh thu của Hàng Kênh ngoài các mảng trên còn được ghi nhận đến từ xí nghiệp xây dựng, nội thất, bệnh viện, quản lý công trình... Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính không thể hiện rõ con số cụ thể.
'Mỗi ngày có khi thu cả tỷ đồng từ vàng mã'
Một trong những nơi được cho là "đại công trường" sản xuất vàng mã ở Việt Nam là xã Đông Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Tại đây, các cơ sở cung cấp vàng mã cho thị trường trong nước, xuất khẩu nước ngoài.
Dịp này, các xưởng đang tất bật chuẩn bị vàng mã phục vụ Rằm tháng Giêng - một trong 2 thời điểm tiêu thụ nhiều vàng mã nhất trong năm.
Gia đình anh Nguyễn Hiển hiện sản xuất mặt hàng nhìn nhân và ngựa giấy tại đây cho biết mọi công việc vẫn diễn ra bình thường, ngày nào cũng có nhiều xe tải tới chuyển hàng.
“Những dịp như Rằm tháng Giêng hay tháng 7 Âm lịch, trung bình mỗi ngày có tới cả tỷ tiền hàng được xuất bán”, anh Hiển chia sẻ. Nói về đề xuất cấm đốt vàng mã, chủ cơ sở này bày tỏ nếu đề xuất được thông qua, các hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng.
Theo anh, đề xuất cấm đốt vàng mã nếu được áp dụng sẽ ảnh hưởng đến chính các hộ gia đình. "Có người so đốt vàng mã với đốt pháo là không ổn vì nguy cơ cháy nổ từ hai hình thức là khác nhau. Bảo là tốn kém chứ mỗi một năm cũng chỉ chi ra từ vài chục cho tới vài trăm nghìn là cùng", anh phân trần.