Trong đơn kiến nghị với 16 chữ ký trực tiếp gửi đến Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, các phi công của Vietnam Airlines (VNA) nói rằng hãng hàng không quốc gia đang vi phạm Luật Lao động, môi trường làm việc không đảm bảo. Cùng với đó là các bất cập đang tồn tại ở VNA và khẳng định đã nhiều lần đối thoại với doanh nghiệp trong nhiều năm, nhưng không nhận được hợp tác.
“Trong 3 năm qua chúng tôi đã đối thoại với VNA rất nhiều nhưng không nhận được sự hợp tác. Môi trường làm việc không được đảm bảo, gây bức xúc trong công việc cần đảm bảo sự an toàn tuyệt đối, ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần của các phi công. Lương phi công cũng quá thấp so với mặt bằng chung của ngành hàng không...”, nội dung đơn nêu.
Phi công Vietnam Airlines cho rằng họ nhận mức lương thấp hơn mặt bằng chung. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Các phi công cũng cho rằng Thông tư 41 của Bộ Giao thông Vận tải với những quy định liên quan đến ngành hàng không, lao động trong lĩnh vực hàng không trái với Luật Lao động, từ đó gây khó dễ cho những người muốn xin nghỉ việc.
Năm 2015, Bộ Giao thông Vận tải ra thông tư 41/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều trong phần 12 và 14 của Bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng trong lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay. Tại phần 14.169 có nội dung quy định “nhân viên hàng không trình độ cao” muốn nghỉ việc phải báo trước 120 ngày.
Ngoài ra khi chuyển đổi nhà khai thác phải “đã chấm dứt hợp đồng lao động và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ (nếu có) đối với người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay hiện tại theo quy định…”.
Tiếp đó, Thông tư 21/2017 cũng đã đưa những nội dung trên vào “Bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay”.
Các phi công nói những điều quy định trong các thông tư của Bộ Giao thông Vận tải trái với điều 35 của Hiến pháp và Luật Lao động. Những nội dung trong các thông tư nêu trên không tuân thủ một số vấn đề như việc chấm dứt hợp đồng lao động và bồi hoàn chi phí đào tạo không đúng với quy định.
Tại điều 37 khoản 3 Bộ Luật Lao động quy định: “Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này”.
Phi công cho rằng VNA đang căn cứ vào các thông tư trái luật của Bộ Giao thông Vận tải để gây khó dễ khi phi công muốn nghỉ việc. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Trong khi đó, thông tư của Bộ Giao thông Vận tải quy định các phi công khi muốn chấm dứt hợp đồng lao động phải báo trước ít nhất 120 ngày. VNA đã dựa vào đó đưa ra các quy định vô lý khi phi công nghỉ việc.
Ngoài ra, theo phi công, tại điều 62 khoản 3 Bộ luật Lao động quy định: “Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chỉ có chứng chỉ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học…”.
Tuy nhiên, hãng hàng không quốc gia đã bắt buộc các phi công bồi hoàn chi phí 2-3,5 tỷ đồng nhưng không có những hóa đơn hợp lệ để chứng minh.
Các phi công của VNA còn cho rằng dựa vào thông tư, Cục Hàng không Việt Nam không cấp bằng cũng như chấp nhận cho các phi công chuyển nhà khai thác khác, buộc họ phải làm việc cho VNA với chế độ đãi ngộ thấp hơn mặt bằng chung của phi công, đẩy họ lâm vào cảnh phải bồi hoàn cho VNA số tiền phi lý để chuyển sang nhà khai thác khác hoặc phải chịu cảnh thất nghiệp.
Hiện Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải chuyển phản ánh, kiến nghị của một nhóm phi công người Việt đang công tác tại đoàn bay 919 thuộc VNA, để bộ này xem xét, giải quyết.
Trước đó, ngày 11/5, Vietnam Airlines cũng đã gửi báo cáo về việc 7 phi công của hãng xin thôi việc tới Cục Hàng không và đề nghị cục xem xét giải quyết tránh gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Năm 2015, nhiều phi công của VNA cũng xin thôi việc vì chê mức lương mà hãng chi trả thấp. Lúc đó, Bộ Giao thông đã có công văn hỏa tốc gửi Cục Hàng không và VNA, yêu cầu tạm thời chưa xem xét chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác với lực lượng lao động kỹ thuật cao của Vietnam Airlines. Với công văn này, phi công nào đang muốn xin chuyển từ Vietnam Airlines sang hãng khác bị từ chối.
Trong báo cáo công bố giữa năm 2017, mức lương bình quân các phi công của VNA năm 2016 đã tăng gần 5% so với 2015, lên 115,3 triệu đồng mỗi tháng, xấp xỉ 1,4 tỷ đồng/năm.
Năm 2015, lương bình quân mỗi phi công của hãng này nhận là hơn 110 triệu đồng/tháng, tương đương 1,32 tỷ đồng năm.
Tuy nhiên, xét về tốc độ tăng lương chung của các vị trí công tác khác tại hãng thì mức tăng lương phi công tương đối thấp.
Cụ thể, trong khi lương bình quân phi công năm 2016 chỉ tăng gần 5% thì tốc độ tăng lương của vị trí tiếp viên hàng không VNA lên tới 11%. Lương bình quân cán bộ, nhân viên (trừ Hội đồng quản trị và Ban giám đốc) cũng tăng gần 13%.