Với sự tham gia của hơn 80 cổ đông dự họp, đại diện cho hơn 96,6% cổ phần doanh nghiệp, đại hội cổ đông thường niên 2018 của Vietnam Airlines đã đủ điều kiện tổ chức.
Tại đây, lãnh đạo doanh nghiệp đã thông báo tình hình kinh doanh của Tổng công ty cũng như giải đáp nhiều thắc mắc đến từ nhà đầu tư.
Vì sao cổ phiếu liên tục xuống giá?
Theo báo cáo từ doanh nghiệp, năm 2017 Vietnam Airlines ghi nhận mức doanh thu 82.950 tỷ đồng, tăng 18,4% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 2.659 tỷ đồng, tăng 26,3% so với năm 2016, tạo kỷ lục lợi nhuận mới.
Nhiều thắc mắc mà nhà đầu tư đang quan tâm được đưa ra thảo luận tại Đại hội cổ đông thường niên 2018 của Vietnam Airlines. Ảnh: VNA. |
Hầu hết chỉ tiêu tài chính của Vietnam Airlines đều đạt và vượt kế hoạch Đại hội cổ đông năm 2017 giao phó. Do đó HĐQT công ty đã xuất mức cổ tức năm 2017 bằng tiền mặt với tỷ lệ 8%.
Với kết quả kinh doanh thuận lợi, nhiều cổ đông của doanh nghiệp chất vấn tại sao giá cổ phiếu Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN, niêm yết trên sàn UpCOM) lại liên tục xuống giá. Có cổ đông còn dẫn báo cáo tài chính của hãng hàng không đối thủ Vietjet Air và đặt câu hỏi về hiệu quả kinh doanh, năng suất lao động của hãng hàng không quốc gia vì sao thua kém.
Giải đáp thắc mắc về thị giá cổ phiếu này, đại diện Vietnam Airlines khẳng định doanh nghiệp luôn có gắng cung cấp sản phẩm cổ phiếu giá tốt, minh bạch nhất ra thị trường.
Các chỉ số báo cáo của doanh nghiệp đều tốt, nhưng giá thì ảnh hưởng và quyết định của thị trường. Thực tế so với cùng kỳ 2016, thị giá cổ phiếu HVN tăng 44% trong khi VNIndex tăng 45%.
Nếu so sánh thị giá 2 tháng gần đây, lãnh đạo doanh nghiệp cũng thừa nhận cổ phiếu Vietnam Airlines bị giảm giá mạnh. Tuy nhiên, trên thị trường hầu hết mã cổ phiếu đều giảm giá.
Về môi trường cạnh tranh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, ông Dương Trí Thành, nhận định thời gian qua miếng bánh thị phần đã tăng trưởng rất nhanh. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này không đồng đều ở các phân khúc, chủ yếu tăng thêm phần hàng không giá rẻ khi lấy khách từ đường bộ, đường sắt, thông qua mở đường bay mới.
Vietnam Airlines thực hiện chiến lược thương hiệu kép, đi cả vào hai phân khúc giá cao (Vietnam Airlines) và giá rẻ (Jestar - công ty thành viên do Vietnam Airlines nắm cổ phần chi phối).
Cũng theo ông Thành, nhìn sang các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, mỗi nước có 3-4 hãng với quy mô 15-20 tàu bay mỗi hãng. Ở Việt Nam ngoài Vietnam Airlines là hàng không dịch vụ đầy đủ 4 sao thì việc san sẻ thị phần với Vietjet Air, Jetstar Pacific hay tới đây dự kiến là Bamboo Airways hay hãng nào khác cũng là điều bình thường. Việc cạnh tranh không đáng lo ngại. Mỗi hãng sẽ có chiến lược, chiến thuật riêng.
Vấn đề mà công ty hay các hãng hàng không khác lo ngại hơn là làm sao tăng được tải trong bối cảnh các sân bay đều quá tải.
Ông Thành khẳng định sự phát triển của các đối thủ được VNA quan tâm vừa phải. Doanh nghiệp sẽ chú trọng nhiều hơn đến hiệu quả khai thác và kinh doanh của mình, để cả thị trường phát triển hài hoà.
Sẽ chuyển sàn cho HVN khi đủ điều kiện
Việc chuyển sàn chứng khoán từ sàn UpCOM sang sàn HoSE cũng thu hút nhiều quan tâm của cổ đông doanh nghiệp. Cụ thể, cổ đông doanh nghiệp đã đưa ra câu hỏi về kế hoạch ban đầu của doanh nghiệp tại Đại hội cổ đông năm 2017 là tới cuối năm 2017 sẽ chuyển sàn từ sàn UpCOM sang sàn HoSE, sau đó lùi sang quý II/2018 rồi chính ông Thành trả lời phỏng vấn Bloomberg thời điểm sẽ là quý III/2018, vậy rốt cuộc khi nào việc này sẽ diễn ra?
Giải đáp thắc mắc trên, đại diện doanh nghiệp khẳng định ngày 2/7 sau khi tổng công ty hoàn thành việc phát hành cổ phiếu đợt cuối cùng sẽ hoàn thành thủ tục để đổi sang niêm yết trên sàn HoSE trong quý III/2018. Đại hội cổ đông cũng đã uỷ quyền cho HĐQT quyết định thời điểm thực hiện các thủ tục chuyển sàn giao dịch cổ phiếu HVN khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Về tình hình giá dầu biến động, nhiều cổ đông đã chất vấn về ảnh hưởng giá dầu tới kế hoạch sản xuất kinh doanh của hãng. Ông Thành cho biết giá dầu luôn là một trong những yếu tố quan trọng khi xây dựng chiến lược của các hãng, bên cạnh đánh giá kinh tế vĩ mô và biến động tỷ giá.
HĐQT của Vietnam Airlines khẳng định khi có đủ điều kiện sẽ chuyển sàn niêm yết cho mã HVN từ sàn UpCOM sang sàn HoSE. Ảnh: VNA. |
Đại diện Vietnam Airlines cho biết hiện nhiên liệu chiếm 30% chi phí vận hành, do đó việc tăng giá sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh.
Giá xăng dầu giảm, các hãng có điều kiện để giảm giá vé cho người dùng. Còn giá dầu tăng, hãng muốn tăng giá vé cũng phải cân nhắc vì bài toán nguồn cung, vì giá đắt, lượng khách sẽ giảm. Tuy nhiên, về lâu dài Vietnam Airlines cũng điều chỉnh giá vé trên cơ sở cân đối cung cầu.
Bay thẳng đi Mỹ: 5-10 năm mới mong hòa vốn
Về kế hoạch bay thẳng tới Mỹ, ông Thành cho hay đây là một phần trong kế hoạch của hãng. Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, bản chất để bay thẳng máy bay sẽ phải chở nhiều dầu, ít ghế, dẫn tới hiệu quả khai thác sẽ kém.
Tuy nhiên, với sự phát triển của các đời máy bay thì sắp tới bay thẳng TP.HCM - San Francisco là khả dĩ về thương mại và kỹ thuật. Hơn nữa sau 10 năm, Cục Hàng không dân sự Mỹ cũng sắp hoàn tất cấp CAT1 cho Việt Nam, mở cửa cho hàng không Việt bay thẳng tới Mỹ.
Ông Thanh chia sẻ hãng cũng đã có chương trình cụ thể để triển khai ngay khi được cấp CAT1. Tuy nhiên quá trình xử lý đáp ứng các tiêu chuẩn an ninh nội địa Mỹ cũng mất tầm 2 năm. Ngoài ra còn phải hoàn thiện các yêu cầu pháp lý của Mỹ về đầu tư. Kế hoạch trước dự kiến cuối 2019 có thể khai thác nhưng có thể phải lùi 6 tháng tới 1 năm.
Ông cũng cho hay phải xác định mở đường bay thẳng tới Mỹ thì sẽ mất 5-10 năm để tiến tới hoà vốn.