Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ GTVT nói về vụ hàng loạt phi công Vietnam Airlines xin nghỉ việc

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng quy định về chế độ làm việc của phi công, điều kiện nghỉ việc đã có trong Luật Hàng không dân dụng và không trái với Luật Lao động.

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 2/6, đại diện Bộ Giao thông Vận tải nhận được câu hỏi của phóng viên về việc nhiều phi công của Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) có đơn kiến nghị giải quyết các vấn đề tồn tại từ lâu. Ngoài ra, một số phi công cho biết sẽ khởi kiện Bộ khi ban hành các thông tư trái với Luật Lao động.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết 2 Thông tư 41/2015 và 21/2017 thay thế Thông tư 41 của Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh các quy định về lao động trong lĩnh vực hàng không.

Thay thế một phi công là cả quá trình

Ông nhấn mạnh hàng không là lĩnh vực đặc biệt liên quan đến an toàn, an ninh hàng không, do đó cần tuân thủ các hiệp định, nghị định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) một cách rất khắt khe. Ngoài ra, để đào tạo các nhân viên trong ngành, đặc biệt là phi công hoặc tổ lái phải mất rất nhiều thời gian và qua nhiều quy trình.

phi cong vietnam airlines xin nghi viec anh 1
Một số phi công của VNA cho rằng họ bị hãng chèn ép, gây khó khăn khi muốn nghỉ việc. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Thứ trưởng Nhật dẫn lại Điều 70 của Luật Hàng không dân dụng năm 2006, đã giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định chế độ lao động đặc thù với các nhân viên hàng không. Căn cứ vào đó, Bộ trưởng xây dựng Thông tư 41/2015, nay được thay thế bằng Thông tư 21/2017.

“Vì hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng các nhân viên phục vụ như tôi nói, là bậc cao và tạo điều kiện sử dụng nguồn nhân lực, để không biến động lớn trong các công ty phụ trách lĩnh vực hàng không”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.

Cũng theo ông Nhật, thông tư quy định nhân viên hàng không trình độ cao khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải báo trước cho người sử dụng lao động 120 ngày. Sở dĩ quy định 120 ngày là để có thời gian tuyển dụng, đào tạo. Ông nhấn mạnh thay thế một phi công là cả một quá trình.

Còn với quy định tại Điều 37 của Luật Lao động, Thứ trưởng cho rằng quy định người lao động hợp đồng không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước với người sử dụng lao động ít nhất 45 ngày. Như vậy, Luật lao động chỉ quy định mức độ giới hạn tối thiểu, chứ không quy định mức độ tối đa số ngày.

phi cong vietnam airlines xin nghi viec anh 2
Phi công VNA đã nhiều lần thể hiện ý định nghỉ việc tập thể với một trong các nguyên nhân là lương thưởng không thỏa đáng. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

"Quản lý các nhân lực nước ngoài là vấn đề phức tạp"

Mặt khác, tại khoản 2 Điều 3 Luật hàng không dân dụng Việt Nam, quy định trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với Luật khác về cùng một nội dung liên quan đến hàng không dân dụng thì áp dụng quy định của Luật hàng không dân dụng.

“Nguyên nhân ưu tiên Luật Hàng không dân dụng vì sự an toàn, an ninh hàng không. Ngành hàng không là ngành rất đặc biệt nên mọi quy định trong các thông tư đều quản lý rất nghiêm ngặt. Hiện nay như Vietjet Air có 76% phi công thuê từ nước ngoài, nếu quản lý không chặt thì rất phức tạp. VNA thuê 25% từ nước ngoài nên việc quản lý các nhân lực lao động này thực sự cũng là vấn đề phức tạp”, ông nói.

Trước đó, trong đơn kiến nghị với 16 chữ ký trực tiếp gửi đến Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, các phi công của VNA nói rằng hãng hàng không quốc gia đang vi phạm Luật Lao động, môi trường làm việc không đảm bảo. Cùng với đó là các bất cập đang tồn tại ở VNA và khẳng định đã nhiều lần đối thoại với doanh nghiệp trong nhiều năm, nhưng không nhận được hợp tác.

Các phi công cũng cho rằng môi trường làm việc của họ không được đảm bảo, gây bức xúc trong công việc cần đảm bảo sự an toàn tuyệt đối, ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần của các phi công. Lương phi công cũng quá thấp so với mặt bằng chung của ngành hàng không.

Ngoài ra, theo các phi công này, Thông tư 41 của Bộ Giao thông Vận tải với những quy định liên quan đến ngành hàng không, lao động trong lĩnh vực hàng không trái với Luật Lao động, từ đó gây khó dễ cho những người muốn xin nghỉ việc.

Năm 2015, Bộ Giao thông Vận tải ra thông tư 41/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều trong phần 12 và 14 của Bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng trong lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay. Tại phần 14.169 có nội dung quy định “nhân viên hàng không trình độ cao” muốn nghỉ việc phải báo trước 120 ngày.

Ngoài ra khi chuyển đổi nhà khai thác phải “đã chấm dứt hợp đồng lao động và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ (nếu có) đối với người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay hiện tại theo quy định…”.

Tiếp đó, Thông tư 21/2017 cũng đã đưa những nội dung trên vào “Bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay”.

Các phi công nói những điều quy định trong các thông tư của Bộ Giao thông Vận tải trái với điều 35 của Hiến pháp và Luật Lao động, không tuân thủ một số vấn đề như việc chấm dứt hợp đồng lao động và bồi hoàn chi phí đào tạo không đúng với quy định.

Hàng loạt phi công Vietnam Airlines lại xin nghỉ việc, gửi đơn cầu cứu

Cho rằng Vietnam Airlines gây khó không cho nghỉ việc, nếu nghỉ phải bồi thường số tiền lớn, một nhóm phi công đã gửi đơn cầu cứu tới các cơ quan chức năng.



Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm