Từ đây, đội quân xe ôm đưa về các kho hàng bí mật của các chủ đầu nậu ở khắp nơi tại Lạng Sơn...
Đó là những gì phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận được trong những ngày cuối năm 2014, tại vùng giáp biên giới Trung Quốc của tỉnh Lạng Sơn.
Hàng ngàn chuyến xe mỗi ngày
"Các đối tượng có thể sang bất cứ điểm nào, thời điểm nào, đường biên có thể bục bất cứ lúc nào nếu lực lượng làm nhiệm vụ không thường trực và không cứng. Tôi có thể nói rằng việc ngăn một cách tuyệt đối là điều không tưởng".
Trung tá VŨ QUỐC ÂN (chính trị viên đồn biên phòng Tân Thanh)
Sáng 11/12, hàng trăm chiếc xe chất phía sau các bao tải hàng cao ngất đột ngột xuất hiện, lũ lượt phóng như bay trên đường hướng từ cửa khẩu Tân Thanh xuống thị trấn Đồng Đăng.
Lần ngược theo những chiếc xe đã đổ hàng quay đầu về, chúng tôi phát hiện hàng trăm lượt xe lao đầu trong con ngõ nhỏ hun hút hướng vào núi đá tại xã Tân Mỹ (huyện Văn Lãng).
Quyết định xé lẻ một vài xe để bám đuôi, chúng tôi nhận ra tất cả “xe bay” (tiếng lóng chỉ đội xe máy chuyên chở hàng lậu) này đều chui vào đường mòn 474 tại xã Tân Mỹ để “ăn hàng”.
Núp từ một lùm cây hướng ống kính lên sườn đồi, trong góc máy của chúng tôi là từng nhóm cửu vạn tay vác dây dừng, đệm xốp nối đuôi nhau trèo dốc rồi mất hút bên kia núi.
Khoảng 40 phút sau từng tốp cửu vạn bắt đầu quay lại, trên vai là những tải hàng nặng trĩu. Sau khi ì ạch vác hàng qua các khe núi đá, đến triền dốc đã được phát dọn bớt cây trước đó, cửu vạn bắt đầu lăn hàng cho trôi xuống chân đồi.
Tại đây, nhanh như cắt, hàng được đội “xe bay” chằng buộc lên xe rồi phóng vun vút ra đường lớn. Trong nhiều giờ “lót ổ” tại đây, chúng tôi ghi nhận hàng trăm chuyến xe chở vài trăm tải hàng từ đường mòn 474 tỏa về hướng thị trấn Đồng Đăng và TP Lạng Sơn.
Rời đường mòn 474, chúng tôi vượt qua khu Hang Chui, Thác Ném gần cánh tả cửa khẩu Cốc Nam để dò la, và sững sờ khi lạc vào đường mòn qua làng Pò Cại (xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng) - một ổ tập kết và vận chuyển hàng lậu quy mô cực lớn do đầu nậu và cửu vạn vừa “khai trương”.
Đội quân “xe bay” chuyển hàng từ đường mòn trong núi ở khu Pò Cại (xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng) ra đường lộ |
Ngã ba giáp với đường lậu là khung cảnh tấp nập, khi hàng trăm cửu vạn trên tay ôm sẵn đồ nghề nối đuôi nhau lũ lượt kéo vào đường mòn để vác hàng.
Khi hàng vừa xuống tới nơi tập kết, lập tức đội “xe bay” chất các tải hàng cao ngất rồi trùm áo mưa, bịt kín mặt lao vụt ra khỏi đường mòn tăng tốc mất hút trên đường hướng về phía trung tâm
Lạng Sơn. Chưa đầy một phút có 1-3 xe nối đuôi nhau tải hàng lao ra khỏi đường mòn hướng về xuôi. Cứ thế chỉ trong hơn một giờ quan sát, chúng tôi ghi nhận hàng trăm lượt xe với cả nghìn tải hàng được vận chuyển khỏi cung đường thủ phủ hàng lậu này.
“Chốt chỗ này di chuyển chỗ khác”
Chủ yếu là hàng nhái
Trung tá Nguyễn Bá Hùng, chính trị viên phó đồn biên phòng Tân Thanh, cho hay trị giá thật của các loại hàng hóa không quá lớn, chủ yếu là các mặt hàng quần áo, giày dép, đồ điện, điện tử, lọ thủy tinh, đồ gồm sứ, mỹ phẩm và hầu hết là hàng nhái, không nguồn gốc xuất xứ... Tuy nhiên khi tuồn vào nội địa, toàn bộ số hàng trên sẽ được “hô biến” bằng nhiều cách giúp chủ đầu nậu và giới kinh doanh buôn bán thu lợi rất lớn. Đó là các chiêu dán nhãn, tem giả các loại hàng hóa nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước có thương hiệu hoặc hợp thức hóa hóa đơn, chứng từ mua bán, giấy tờ thông quan, thuế... để nâng giá trị lô hàng lên nhiều lần.
Hiện nay, tại Lạng Sơn, ngoài lực lượng hải quan, quản lý thị trường tham gia ở vòng ngoài, biên phòng là lực lượng hằng ngày trực tiếp đối mặt và truy bắt hàng lậu tại các điểm nóng ở biên giới.
Trung tá Vũ Huy Phước, phó đồn trưởng nghiệp vụ đồn biên phòng Hữu Nghị, cho biết hai tháng cao điểm vừa qua đồn đã huy động tối đa quân số phụ trách gồm hơn 40 cán bộ, chiến sĩ ứng trực tại các điểm nóng trên biên giới.
Trong số gần 4km giáp biên phụ trách, đồn đã dựng 15 lán dã chiến án ngữ tại những lối mòn. Đồn cũng tổ chức rào hơn 500m dây thép gai tại các khu vực nhạy cảm.
Đặc biệt từ đầu năm đến nay, đồn Hữu Nghị đã chủ trì và phối hợp với lực lượng liên ngành Dốc Quýt bắt gần 400 vụ vận chuyển hàng hóa lậu là các loại đồ gia dụng, pháo nổ, gia cầm, nội tạng động vật...
“Các đối tượng tập trung rất đông thách thức cơ quan chức năng, chỉ cần lực lượng làm nhiệm vụ lơ là một chút là hoạt động rầm rộ ngay. Họ cũng thường lợi dụng lúc anh em mệt mỏi vì căng mình chốt trực cả ngày để vòng tránh vác hàng trốn qua các lán canh”, ông Phước nói.
Đề cập về hai điểm nóng hàng lậu ở Pò Cại và đường mòn 474 mà Tuổi Trẻ ghi nhận, trung tá Vũ Quốc Ân, chính trị viên đồn biên phòng Tân Thanh, phân trần: “Không phải là không biết đâu, tất cả vị trí chúng tôi đều nắm hết và đã báo cáo lên cấp trên. Thực tế vẫn còn một số điểm mà các đối tượng lợi dụng sự quá tải của anh em, lợi dụng địa hình phức tạp, điều kiện thời tiết khắc nghiệt để đưa hàng qua. Mình rải tất cả lực lượng hiện có phủ các điểm nóng rồi nhưng khi mình đang chốt chỗ này thì họ di chuyển qua địa điểm khác”.
Theo trung tá Vũ Quốc Ân, với chiều dài gần 14km đường biên, hai cửa khẩu (Tân Thanh và Cốc Nam) và hơn 50 đường mòn tự phát do dân mở dọc biên giới, việc chống vận chuyển buôn bán hàng lậu là vấn đề nan giải đối với lực lượng biên phòng.
Anh Hùng, một cửu vạn vác hàng lậu có thâm niên hơn bảy năm hiện đã “giải nghệ”, khẳng định năm nay quy luật và lộ trình vận chuyển hàng của đội quân cửu vạn và “xe bay” ở khu vực giáp biên thay đổi hẳn.
Nếu như các đường mòn khu Hang Chui, Thác Ném (xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng), đường mòn Quang Ngọc, Bà Đen (xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc) hay đường mòn 06 vào Bãi Gianh (thị trấn Đồng Đăng) vốn là những cung đường nóng bỏng vận chuyển hàng lậu tấp nập ngày đêm... thì năm nay vắng hoe.
Theo chỉ huy đồn biên phòng Hữu Nghị và Tân Thanh, không chỉ thay đổi phương thức hoạt động, các đối tượng vận chuyển hàng lậu ngày càng tỏ ra manh động hơn nhiều. Khi bị lực lượng biên phòng thu giữ, lập tức họ tập trung đông người hò hét, chửi bới, lăng mạ gây áp lực, thậm chí lao vào giật lại hàng trên tay lực lượng biên phòng.
Đầu tháng 11 vừa qua, khi UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ huy chiến dịch truy quét hàng lậu, huy động tới 200 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường vùng biên tại xã Tân Mỹ (huyện Văn Lãng) bắt nóng hàng lậu, một số đối tượng vẫn bất chấp lao vào cướp lại hàng.
Tràn lan hàng không rõ nguồn gốc
Ghi nhận tại thị trường TP.HCM, nhiều chợ, cửa hàng buôn bán lẻ, đặc biệt là khu vực vùng ven đang là những điểm “tập kết” của nhiều loại hàng hóa không rõ nguồn gốc.
Tại chợ Bình Tây (quận 6), bắt đầu mùa lễ, Tết, hàng hóa được bung ra bán sỉ, lẻ với số lượng rất lớn. Nổi bật nhất vẫn là các loại mứt, bánh kẹo, đồ khô, sản phẩm thời trang như giày dép, túi xách, quần áo...
Ghi nhận cho thấy mứt được đựng trong các bình thủy tinh lớn hoặc bịch nilon, hoàn toàn không có nhãn mác cụ thể. Giá các sản phẩm dao động 75.000-350.000 đồng/kg, nhiều nhất là mứt trái cây như kiwi, me, gừng, táo...
Trong khi đó, tại khu vực kinh doanh đồ thời trang, mẫu mã túi xách được treo kín các sạp, hàng hóa nhập được chứa trong các thùng cacton hoặc bao tải lớn.
Tại đây, rất nhiều túi xách thời trang nhãn hiệu nổi tiếng như D&G, Lacoste... có giá 170.000-400.000 đồng/sản phẩm. Một chủ sạp cho biết tất cả hàng hóa đều là hàng nhập, nhưng cụ thể ở đâu thì lại... không rõ lắm.
Tương tự, tại khu vực các chợ lẻ, bên cạnh những sản phẩm có mác “made in Vietnam” thì nhiều mẫu giày dép tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) đều không ghi rõ xuất xứ.
Các loại túi xách thời trang cũng được bày bán khá sầm uất ở khu vực hai bên hông chợ chính. Chị Nhã Uyên, nhân viên bán hàng, cho biết đây toàn hàng Trung Quốc, nhưng khi thắc mắc tại sao không nhãn mác rõ ràng, chị Uyên lắc đầu nói không biết.
Mới đây ngày 12/12, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM khi kiểm tra các điểm kinh doanh mặt hàng phụ kiện điện thoại, đồ điện tử trên đường Cách Mạng Tháng Tám (khu vực quận 10 và quận 3) đã phát hiện gần 15.000 sản phẩm phụ kiện điện thoại, máy tính bảng, trong đó chủ yếu là vỏ bọc, đồ trang trí nhập lậu không hóa đơn chứng từ.
Tại cửa hàng Gia Tân (661 Cách Mạng Tháng Tám, phường 15, quận 10), là một trong 16 cửa hàng bị kiểm tra, ghi nhận bày bán hàng loạt phụ kiện với đủ kiểu dáng, màu sắc phục vụ cho các dòng điện thoại, máy tính bảng mới nhất.
Hầu hết sản phẩm không có hóa đơn chứng từ, trong đó nhiều sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ như iPhone, Sony, Chanel... Đại diện các cửa hàng cho biết những sản phẩm trên nhập khẩu từ Trung Quốc, được các cửa hàng mua lại từ đầu mối cung cấp hàng tại quận 5 và quận 6.
D.TUẤN - L.SƠN