Lại ùn ứ hàng xuất khẩu biên mậu
Sáng 12/11, tại bãi bốc dỡ hàng cửa khẩu Cốc Nam (Lạng Sơn), cả dãy xe container xếp dài nằm chờ xuất hàng qua Trung Quốc. Chị Hoa - người biên nhận hàng, tỏ ra sốt ruột khi liên tục bấm điện thoại cho các chủ hàng. Câu chuyện với hàng loạt chủ hàng bắt đầu với từ: “Đang tắc, bảo các xe khác vài ngày nữa hãy lên, có gì sẽ thông báo lại”.
Một chủ hàng khác tên Hường tỏ ra cáu bẳn khi được hỏi về tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu này, chị Hường nói: “Bên mình làm căng bắt hàng lậu, hàng của Trung Quốc (TQ) không vào được nên người ta cũng cấm lại”.
Xe container nằm ùn ứ tại cửa khẩu Cốc Nam - Lạng Sơn. |
Theo báo cáo nhanh của Chi cục Hải quan Cốc Nam, từ ngày 3 đến 6/11, lượng hàng tắc ở cửa khẩu tăng nhanh. Cụ thể, ngày 3/11, 102 xe ôtô của Việt Nam vào bãi chờ xuất hàng qua cửa khẩu, cùng 25 xe tồn từ hôm trước, nhưng ngày hôm đó chỉ xuất được 56 xe chở quả tươi, khoai lang, ớt khô, cá tôm đông lạnh.
Tình trạng tắc hàng kéo dài, tới ngày 6/11 vẫn còn 108 xe nằm chờ tại cửa khẩu chưa được xuất. Ông Vũ Văn Bình - đội trưởng đội nghiệp vụ cửa khẩu Cốc Nam - ước tính, ở thời điểm ngày 12/11, so với cách đây 10 ngày thì hiện tại lượng hàng xuất sang TQ chỉ được 20-30%.
Tại Lào Cai, mặt hàng nông sản như dưa hấu, thanh long, chôm chôm, dừa tươi… xuất khẩu không hạn chế qua cửa khẩu đường bộ Lào Cai và cửa khẩu đường bộ số 2 Kim Thành (TP.Lào Cai). Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu gạo qua lối mở khu vực Bản Quẩn (Bảo Thắng) cách TP.Lào Cai khoảng 6km về phía nam đã bị hạn chế.
Từ giữa tháng 6/2014 đến nay, gạo xuất khẩu qua lối mở khu vực Bản Quẩn, phía TQ siết chặt dần, đến nay gần như “bịt hẳn”. Ông Nguyễn Quyết Chiến - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai, cho biết: Đây là lối xuất gạo thí điểm đơn phương của phía Việt Nam nhằm tiêu thụ gạo trong nước. Gần đây, phía TQ thắt chặt an ninh, trong đó có việc tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới, do vậy lối mở Bản Quẩn bị “bịt chặt”, gạo Việt Nam rất khó xuất vào TQ bằng con đường này.
"Trước đây, thời kỳ cao điểm, mỗi ngày có khoảng 2.000 tấn gạo xuất sang TQ, nhưng gần đây, mỗi ngày chỉ xuất được khoảng 50 tấn”, ông Chiến cho hay. Được biết, trong 10 tháng qua, có 219.000 tấn gạo đã xuất sang TQ qua lối mở Bản Quẩn; riêng tháng 10/2014 chỉ xuất được 7.000 tấn và 10 ngày tháng 11 chỉ xuất được 400 tấn.
Những lý do... chỉ để cho có
Trước hình hình ùn tắc hàng hóa nghiêm trọng diễn ra trong nhiều ngày qua, Trung tâm quản lý cửa khẩu Tân Thanh - Cốc Nam, ngày 6/11, đã có buổi làm việc với Ban quản lý KCN Nam Sơn (TQ) để bàn cách tháo gỡ. Phía TQ đưa ra nguyên nhân ách tắc hàng hóa, bao gồm hải quan TQ đang tăng cường kiểm tra hàng hóa tại khu vực Lũng Vải do lượng hàng từ các vùng sâu trong nội địa TQ chở dồn về phía Việt Nam đang rất lớn với lượng xe chở hàng lên tới 500-600 xe.
Phía TQ nói, họ đang kiểm soát hàng hóa thuộc diện trao đổi cư dân biên giới. Bởi vậy, các chủ hàng và lái xe ở các tỉnh sâu trong nội địa không được cấp giấy thông hành để sang cửa khẩu Cốc Nam giao nhận hàng hóa. Ngoài ra, cũng có sự thay đổi về nhân sự điều hành của các cơ quan kiểm soát bên phía TQ.
Trong báo cáo gửi UBND tỉnh Lạng Sơn, Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cũng cho rằng, có thông tin phía TQ phản ứng do phía Việt Nam tăng cường công tác chống buôn lậu, rào bằng dây thép gai ngăn cách lối mòn biên giới làm cho hàng hóa bên TQ không đưa được sang Việt Nam.
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa tại đây bị ách tắc, trong khi trước đây, hàng nông-lâm-thủy sản lên đến cửa khẩu này thì xuất được ngay. |
Trao đổi với PV, ông Trần Hùng - Chánh Văn phòng Cục Hải quan Lạng Sơn - xác nhận, tới thời điểm hiện tại, phía TQ chưa đưa ra một thông báo chính thức nào bẳng văn bản về nguyên nhân dẫn tới việc ách tắc hàng hóa này. Trên toàn tuyến biên giới của tỉnh hiện mới chỉ cửa khẩu Cốc Nam đang ùn tắc hàng hóa. Nhưng do phía TQ phân luồng hàng hóa tại các cửa khẩu Việt Nam nên hàng ùn tại đây không thể đi qua cửa khẩu khác.
Phía TQ chỉ cho nhập nông-lâm-thủy sản, vào thời điểm hiện tại là xoài, roi, ớt, khoai lang, cá tôm đông lạnh... qua cửa khẩu Cốc Nam. “Nếu họ làm mạnh, các xe đã chở lên Cốc Nam chỉ biết quay đầu về, vì có đi sang cửa khẩu khác thì họ cũng không nhận vì phía TQ cho rằng, mỗi cửa khẩu có kiểm dịch, kiểm định tiêu chuẩn từng mặt hàng khác nhau”, ông Hùng nói.
Trong khi đó, cửa khẩu Cốc Nam được công nhận là cửa khẩu phụ vào tháng 4/2014, còn ở phía TQ chỉ là lối mở, chưa có lực lượng chức năng của phía bạn kiểm soát khu vực này.
Từ ngày 12/3/2014 hàng trăm xe chở dưa hấu xuất khẩu lại ùn tắc ở cửa khẩu Tân Thanh. Cao điểm vào ngày 27/3, lượng xe ùn tắc khoảng 1.600 xe. Mỗi ngày tối đa cửa khẩu này chỉ thông quan được khoảng 300 xe chở dưa sang biên giới. Vụ việc kéo dài đến ngày 16/4 mới được khắc phục.
Từ ngày 16/8/2014, cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Xa Mát (Tây Ninh) triển khai hoạt động thu phí cơ sở hạ tầng. Một số doanh nghiệp vận tải từ các địa phương đi Campuchia và ngược lại, phản ứng quyết liệt, không chịu nộp phí để thông quan, khiến lượng xe tại Cửa khẩu Mộc Bài gây ùn tắc bất thường trong nhiều ngày. C.Thắng