Từ ngày 16/3/2014, mỗi ngày có hàng trăm xe chở dưa hấu dồn về Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) để bán sang Trung Quốc. Điều này không chỉ gây ách tắc nghiêm trọng mà còn gây thiệt hại lớn cho các chủ hàng. Trước thực trạng này, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm giải tỏa ùn ứ nông sản.
Nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ đồ ăn, nước uống cho lái xe. |
Tại khu làm thủ tục thông quan của khẩu Tân Thanh, tài xế Nguyễn Trọng Tuấn cho biết, xe của anh chở khoảng 20 tấn dưa hấu từ An Khê, Đà Nẵng tới Tân Thanh ngày 29/3 và hiện đã hoàn tất thủ tục hải quan. “Khả năng trong ngày hôm nay tôi sẽ trả được hàng cho đối tác”, anh Tuấn nói. Cũng như anh Tuấn, rất nhiều lái xe khẳng định họ đã “giảm stress” sau nhiều ngày chờ đợi vì xe đã chuẩn bị thông quan để trả hàng. Điều này không chỉ đồng nghĩa với việc họ hoàn thành trách nhiệm với chủ hàng mà còn đảm bảo không lỗ vì hàng hóa bị hư hỏng, phải đổ bỏ.
Trước đó, theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, từ ngày 12 đến 26/3/2014, mỗi ngày có tới trên 1.000 xe tải cỡ lớn chở nông sản tập trung về cửa khẩu Tân Thanh, trong khi năng lực tiếp nhận, giải phóng hàng hóa của cửa khẩu này chỉ đạt tối đa khoảng 350 xe/ngày, phía Trung Quốc cũng chỉ đáp ứng cho khoảng 300 xe/ngày, gây nên tình trạng ùn ứ nghiêm trọng.
Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi (Bộ Công Thương) đã có công điện khẩn gửi UBND tỉnh Lạng Sơn và Sở Công Thương các tỉnh có vùng trồng dưa hấu thông báo tình hình và đề nghị có biện pháp điều tiết hàng hóa lên cửa khẩu, nhằm giảm bớt sự ùn tắc. Đồng thời, đề nghị các Vụ, Cục hữu quan thông báo tình hình xử lý các việc liên quan đến ùn tắc tại cửa khẩu; phối hợp, thúc đẩy giải quyết việc ùn tắc theo chức năng nhiệm vụ đã được giao.
Đến ngày 2/4, từ Đồng Đăng lên của khẩu Tân Thanh, dù bên đường vẫn còn hàng dài xe tải chở nông sản xếp hàng chờ thông quan, song số lượng đã giảm hẳn so với những ngày cuối tháng 3/2014.
Đặc biệt, một số xe đã quay về tiêu thụ trong nội địa với mức độ tiêu thụ hàng khá tốt do thời tiết nóng dần, chất lượng nông sản khá, giá cao hơn hẳn giá xuất khẩu cũng góp phần giảm tải cho cửa khẩu Tân Thanh. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Cục Hải quan Lạng Sơn, các chủ hàng vẫn cần theo dõi chặt chẽ tình hình ùn ứ hàng nông sản tại Tân Thanh và có phương án thay thế hiệu quả để tránh thua thiệt.
Trung ương, địa phương cùng nỗ lực
“Không phải đến bây giờ tình trạng ùn ứ hàng nông sản, đặc biệt là dưa hấu, ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh mới diễn ra, nhưng năm nay tình trạng này phức tạp hơn”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn cho biết, ngay khi có dấu hiệu ùn ứ hàng nông sản tại Tân Thanh, UBND tỉnh đã chỉ đạo toàn bộ các lực lượng chức năng (hải quan, công an, biên phòng, quản lý thị trường,…) lập tức có phương án phân luồng, giảm tải và tăng năng lực thông quan hàng hóa hiệu quả nhất.
Cơ quan này cũng gửi công văn đề nghị các tỉnh có nguồn hàng thông tin cho các doanh nghiệp, thương nhân tình hình ùn tắc cục bộ tại cửa khẩu, khuyến cáo doanh nghiệp hạn chế đưa dưa hấu lên cửa khẩu, tăng cường tiêu thụ nội địa, đa dạng hóa thị trường XK. Đặc biệt, Ban quản lý Khu kinh tế của khẩu Đồng Đăng đã thống nhất với Ban quản lý khu công nghiệp Nam Sơn (Trung Quốc) kéo dài thời gian làm việc đến 21 giờ hàng ngày, thay vì đến 19 giờ như trước.
Bộ đội biên phòng, Công an tỉnh Lạng Sơn cũng bố trí lực lượng cảnh sát giao thông và các lực lượng an ninh hỗ trợ 24/24 giờ tại các khu vực xe đỗ chờ xuất khẩu, tại khu vực cửa khẩu, các kho, bãi và trên các tuyến quốc lộ để đảm bảo an ninh, trật tự và vệ sinh môi trường. Lực lượng hải quan cũng xây dựng phương án giảm tải chi tiết. Bộ Công Thương đã có công hàm gửi Thương vụ Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đề nghị bạn trao đổi với chính quyền địa phương bên Trung Quốc phối hợp với bên Việt Nam giải quyết việc ùn tắc, tạo điều kiện thuận lợi cho thông quan, giao dịch hàng hóa.