Món nông sản này có giá thành trên 3.000 đồng/kg, phải bán 500 đồng/kg vẫn không có người mua, đành đổ bỏ. Nhìn những chiếc bắp cải trắng, tròn xoe dập dềnh trên sông nước cáu bẩn, đau thắt ruột gan, nhớ lúc đi chợ vẫn phải mua nó với giá 6000 đồng/kg.
Có một điều gì đó đã xảy ra ở giữa con đường nối người trồng rau và người sử dụng? Người ta bảo nông dân trồng trọt không có tầm nhìn, hàng bị dội chợ, vậy tại sao ở thành phố vẫn phải ăn rau với giá đắt đỏ, vẫn nơm nớp mua trúng rau củ độc hại từ Trung Quốc?
Chợt nhớ mới tuần rồi, chạy ngang quốc lộ 14B đoạn Gia Lai qua Kontum, con đường vắng bỗng điểm chấm xanh khổng lồ. Cứ một khúc đường có bóng cây mát, lại có người đứng bán dưa. Hóa ra nông dân Tây Nguyên được mùa dưa hấu, thương lái đi đâu vắng bặt, nên bà con chở ra lộ bán từng trái cho khách qua đường.
Người nông dân đang thẫn thờ với giá dưa hấu. Một trái dưa nặng lặc lè chỉ bằng giá ly cà phê, cốc chè bán dạo vỉa hè. |
Mà đường thì vắng, lâu lâu mới có chiếc xe con dừng, ngày bán không được trăm trái, biết bao giờ cho hết ruộng dưa rộng gần 2 hecta nặng trĩu cái ngon ngọt của miền đất bazan. Chỉ 3.000 đồng/ký dưa, một trái nặng lặc lè có mười ngàn, bằng ly cà phê cóc, bằng ly chè bán dạo vỉa hè thành phố.
Nhìn quanh quanh thấy bọn trẻ trong nhà trông ngóng bao giờ McDonalds mở ra ở thành phố miền Tây, hay miền Trung. Ở một nơi như Đà Nẵng, có khoảng 40 cửa hàng cà phê chuỗi và thức ăn nhanh lúc nào cũng nghẹt khách thanh niên. Một ly cà phê kem của Highlands bằng khoảng 15 ký dưa hấu giá tại quốc lộ 14B.
Một đĩa dưa hấu ở những quán cà phê hạng sang này được tính với giá vài trái dưa to tại ruộng! Vậy cái sự trục trặc thương trường ở chỗ nào, khi thương hiệu (là chất xám, uy tín) được tính đúng tính đủ giá, còn sức lao động chân tay của bà con nông dân một nắng hai sương lại phập phồng cảnh dội chợ ế hàng!
Chuyện này làm nhớ lại cây tỏi đảo Lý Sơn. Trồng tỏi ở đảo này cực vô kể. Ruộng tỏi chỉ trồng hai vụ là phải đào cát cũ đổ đi, thay cát mới. Nông dân phải lặn xuống biển đào cát và vớt rong đem về bón cho ruộng nhà. Có năm, ruộng tỏi mới nhú xanh, chỉ một đêm bão là bay sạch, không còn cả giống!
Cây tỏi Lý Sơn dù đã nổi tiếng bao đời nhưng nó chỉ có đúng giá trị kể từ khi tỉnh Quảng Ngãi đầu tư làm thương hiệu cho tỏi, và quảng bá rộng rãi những giá trị như một loại thuốc nam và có vị thơm ngon hạng nhất.
Hiện nay giá tỏi "một tép", thứ đặc sản có duy nhất ở Lý Sơn đã có giá 500 ngàn đồng/ký, được khách du lịch Trung Quốc và các tỉnh phía Bắc rất ưa thích. Tỏi loại trung bình nông dân cũng bán trên 200 ngàn đồng/ký. Tỏi Lý Sơn chưa bao giờ dội chợ!
Cứ so sánh số phận đã từng trầm rồi thăng của cây tỏi Lý Sơn với những ruộng bắp cải héo rũ ở Đồng Tháp, hay nông dân Đà Lạt đem cải thảo, xà lách đổ cho bò ăn, mới thấy khi người nông dân còn cô đơn trên mảnh ruộng nhà mình, những thảm cảnh tương tự sẽ vẫn xảy ra! Rau củ dội chợ đổ bỏ, trong toàn cảnh người dân thiếu rau sạch, rau an toàn, lại phải thắt chặt chi tiêu.
Chưa hết, người thành phố đổ xô vào siêu thị mua rau sạch, nhưng một số siêu thị vô trách nhiệm trong kiểm soát chất lượng rau đầu vào, thu mua cả rau không trồng theo mô hình an toàn, bán lại với giá cao! Đó là một bức tranh nông nghiệp rất buồn khi tồn tại mãi một nông thôn ít thu hút chất xám cho đầu tư công nghệ, đầu tư dây chuyền bao tiêu sản phẩm.
Nếu những ai đã từng quan sát hệ thống siêu thị Metro hợp tác với nông dân, với một quy trình chuẩn về sản phẩm, có thu nhập ổn định, hẳn phải giật mình tự hỏi, bao giờ thì người nông dân biết tự hào về sản phẩm của mình, như những người đã tham gia vào các dự án hợp tác với Metro?
Chẳng phải đợi Metro ký kết hợp tác với nông dân nuôi trồng nông sản sạch, người thành phố đang có phong trào liên kết chặt với người thân quen làm nông ở quê hoặc ngoại thành. Họ đặt trồng riêng từng ruộng rau sạch, nuôi riêng từng đàn gà, ao cá để rồi như thời bao cấp, cuối tuần lại ùn ùn về quê chở nông sản lên phố, cho mình và cho hàng xóm, đồng nghiệp. Không biết những nhu cầu này thức tỉnh được bao nhiêu phần trăm nhà nông?