Thông tin đưa ra tại sự kiện “Ngày hàng không quốc tế” do Hiệp hội Vận tải Hàng không thế giới (IATA) phối hợp với Vietnam Airlines tổ chức mới đây tại Hà Nội, cho thấy ngành hàng không Việt Nam vẫn còn nút thắt gây cản trở đến sự phát triển.
Đứng thứ 7 về thị trường phát triển nhanh
IATA dự báo, thị trường hàng không Việt Nam trong giai đoạn 2013-2017 đứng thứ 7 trong số những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới, với tỉ lệ vận chuyển quốc tế đạt 6,9% về hành khách và 6,6% về hàng hóa. Còn về tốc độ phát triển những năm gần đây, thị trường hàng không Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hành khách lên máy bay của Vietnam Airlines. |
Theo IATA, trong năm 2013, ngành hàng không đã đóng góp trực tiếp khoảng 1,7 tỷ USD vào GDP của Việt Nam; nếu tính luôn tác động gián tiếp qua chuỗi cung ứng, du lịch thêm khoảng 4,3 tỷ USD nữa, tổng cộng ngành này đã đóng góp 6 tỷ USD vào GDP của cả nước. Về việc làm, hiện có khoảng 31.000 người đang làm việc trực tiếp trong ngành hàng không và có thêm khoảng 36.000 chỗ làm gián tiếp. Đặc biệt, trong số hơn 4,6 triệu du khách quốc tế đến Việt Nam năm 2013 thì có gần 80% lượng khách đến bằng đường hàng không. Nếu mỗi du khách chi 1.426 USD thì ước tính đã đem lại tổng doanh thu cho ngành du lịch khoảng 5,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, xét về tiềm năng thì sự tăng trưởng nói trên vẫn chưa tương xứng. Mặc dù đứng thứ 3 về tốc độ tăng trưởng nhanh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng con số tuyệt đối về số lượng khách thông qua cảng hàng không của Việt Nam lại rất thấp, chỉ đạt khoảng 50 triệu lượt hành khách năm 2014, trong khi năm 2012 Singapore đã vượt qua ngưỡng này, cho dù diện tích và dân số quốc đảo này rất nhỏ.
Mâu thuẫn hạ tầng và tăng trưởng
Vấn đề nan giải ngành hàng không Việt Nam đang phải đối mặt là tỉ lệ dân số đi lại bằng máy bay thấp, các hãng hàng không đang mua sắm thêm máy bay nhưng hạ tầng sân bay lại đang tắc nghẽn.
“Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội tăng trưởng hàng không, nhưng để thành công được cần phải thêm nhiều điều kiện như: năng lực đón tiếp khách phải bảo đảm, chi phí khai thác phải cạnh tranh, tạo thuận lợi cho khách nhập cảnh...”, Chủ tịch IATA - ông Tony Tyler - khuyến cáo. Theo Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh, việc đầu tư, mở rộng các sân bay ở Việt Nam đang gặp khó khăn về vốn, cần phải giải quyết theo hướng cổ phần hóa Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư vào hạ tầng hàng không với nhiều hình thức.
Ông Tony Tyler đánh giá, nếu cơ sở hạ tầng không được phát triển vào đúng thời điểm thì đó sẽ là nút thắt lớn của hàng không Việt Nam. Đáng mừng là Chính phủ đã có quy hoạch về phát triển các sân bay đáp ứng yêu cầu phát triển. Tuy nhiên, phải rất thận trọng trong việc cổ phần hóa (CPH) các sân bay. Kinh nghiệm của Ấn Độ cho thấy, việc CPH sân bay Delhi tạo được thuận lợi cho hành khách và nâng cao năng lực hỗ trợ cho các hãng hàng không khai thác; nhưng do chính phủ Ấn Độ không quản lý việc thu phí tại sân bay khiến các hãng hàng không phải chịu phí tăng gấp 3 lần và nơi đây trở thành sân bay có chi phí đắt nhất thế giới. Tình trạng này cũng xảy ra ở Mỹ Latin, do không có hệ thống quản lý, kiểm soát nên phí tăng.
“Khi tiến hành CPH phải thành lập tổ chức quản lý độc lập, có hiệu quả các mức phí ở sân bay một cách hợp lý theo các nguyên tắc minh bạch, không phân biệt đối xử, tham vấn trước với khách hàng. Chi phí thấp thì các hãng có thể khai thác được nhiều đường bay hơn, tạo nhiều điểm kết nối, góp phần phát triển cho hàng không Việt Nam” - ông Tony Tyler khuyến cáo.