Theo số liệu tổng kết của Cục Hàng không, 5 hãng hàng không Việt vận chuyển 55 triệu hành khách trong năm 2019, tăng 12% so với 2018. Trong đó, hành khách quốc tế đạt 17,7 triệu (tăng 12,8%), hành khách nội địa đạt 37,3 triệu (tăng 11,7%). Các sân bay Việt Nam trong năm 2019 đã đón khoảng 116,2 triệu lượt hành khách, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong năm 2019, thị trường hàng không nội địa vẫn chứng kiến cuộc đua giữa hai ông lớn là Vietnam Airlines và VietJet. Hãng hàng không giá rẻ của CEO Nguyễn Thị Phương Thảo kết thúc năm 2019 với vị trí số 1 tại thị trường nội địa với 41,7% thị phần.
So với năm 2018, VietJet giảm hơn 2 điểm phần trăm. Sự sụt giảm này được nhìn nhận trong bối cảnh hãng dịch chuyển thị phần từ nội địa sang quốc tế, cộng với việc Bamboo Airways tham gia thị trường và chiếm 6,5% thị phần trong năm 2019.
Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines xếp thứ 2 với 36,3% thị phần nội địa. Tuy nhiên, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vasco) có tổng thị phần là 51,8%, nhiều hơn VietJet 10,1 điểm.
Sau hơn một năm dịch chuyển cung tải từ nội địa sang quốc tế, VietJet đạt 18,4% thị phần kết nối trong nước với nước ngoài, xếp sau Vietnam Airlines (21,4%).
Lượng hành khách của ngành hàng không gia tăng cùng với xu hướng mở rộng đội bay của các hãng. Bamboo Airways gia nhập thị trường đầu năm 2019 với 6 máy bay thân hẹp và chỉ sau 1 năm đã nâng đội bay của hãng lên 16 chiếc (tính cả máy bay thuê ngoài là 24 chiếc). Hãng sắm thêm máy bay với tham vọng đạt 30% thị phần hàng không nội địa vào năm 2020.
Hãng mới tích cực mua sắm máy bay thì các hãng đàn anh cũng không ngoại lệ. Trong năm 2019, Vietnam Airlines đưa thêm 11 máy bay A321, 3 chiếc B787 và 2 chiếc A350 gia nhập đội bay, nâng tổng số máy bay của hãng từ 90 lên 104 (hãng đã loại bớt 2 chiếc ATR-72 khỏi đội bay).
VietJet trong năm qua cũng bổ sung cho đội bay của mình 9 chiếc A321, nâng tổng số máy bay lên 68 chiếc (tính cả máy bay thuê là 80 chiếc).
Sau 1 năm mua sắm ồ ạt, tổng số máy bay do các hãng hàng không Việt sở hữu tăng từ 180 lên 220 chiếc.
Sự gia tăng về máy bay và số chuyến trong bối cảnh hạ tầng chưa kịp mở rộng khiến tình trạng delay cũng gia tăng. Hành khách được mua vé rẻ hơn nhưng lại phải đối mặt với cảnh tượng đông đúc ở sân bay do cảng hàng không quá tải.
Trong tháng 11, các hãng bay Việt để xảy ra 2.947 vụ chậm chuyến, chiếm 10,4% tổng số chuyến bay. So với tháng 11/2018, tỷ lệ chậm chuyến có chiều hướng tăng. Chỉ số bay đúng giờ (OTP) giảm 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Những bất cập về hạ tầng hàng không khiến các hãng dù có đầy đủ máy bay cũng khó khăn trong việc mở rộng thị trường khách nội địa. Miếng bánh slot tại Tân Sơn Nhất chỉ có 44 chuyến/giờ trong khi các hãng hàng không đều muốn tăng tải đến sân bay này.