Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề xuất chi 5.000 tỷ đồng xây mới sân bay Điện Biên

Lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khẳng định nếu được giao đầu tư, dự kiến chỉ 36 tháng sân bay Điện Biên mới sẽ hoàn thành.

4 tháng sau khi Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị lên kế hoạch đầu tư nâng cấp sân bay Điện Biên, đại diện ACV đã trình lên bộ 2 phương án đầu tư với mức khái toán gần 5.000 tỷ đồng.

Theo thiết kế dự kiến, sân bay Điện Biên sẽ được xây mới đường cất hạ cánh dài 2.400 m cùng hệ thống đường lăn nối, đường lăn song song và đèn tiếp cận CAT 1. Đường băng mới sẽ đủ điều kiện đón các dòng máy bay A320, A321 và tương đương (sân bay hiện hữu chỉ đón được dòng máy bay cỡ nhỏ, di chuyển chặng ngắn).

dau tu san bay dien bien anh 1

Cảng hàng không Điện Biên hiện chỉ tiếp nhận được máy bay ATR72 hoặc tương đương trở xuống. Ảnh: Báo Giao thông.

Nhà ga hành khách 2 tầng được xây mới với công suất đáp ứng 2 triệu hành khách/năm. Sân đỗ máy bay đáp ứng 6 vị trí đỗ máy bay A320, A321 và tương đương. Một đài kiểm soát không lưu kết hợp trung tâm điều hành chỉ huy bay và đài dẫn đường cũng sẽ được xây mới hoàn toàn.

ACV khái toán tổng mức đầu tư sân bay khoảng 4.787 tỷ đồng. Trong đó, khu bay dự kiến 1.400 tỷ đồng, nhà ga, khu hàng không dân dụng dự kiến 1.700 tỷ đồng. Các công trình đảm bảo điều hành bay dự kiến 155 tỷ đồng. UBND tỉnh Điện Biên thực hiện khâu giải phóng mặt bằng với chi phí 1.532 tỷ đồng.

Ở phương án thứ nhất, ACV sẽ dùng vốn của mình để đầu tư khu bay và các công trình thiết yếu của khu hàng không dân dụng. Tổng công ty Quản lý bay (VATM) sẽ bỏ tiền đầu tư các công trình đảm bảo điều hành bay. Phần giải phóng mặt bằng sẽ do UBND tỉnh Điện Biên thực hiện bằng ngân sách địa phương.

Phương án này được lãnh đạo ACV khẳng định là không tạo áp lực lên ngân sách đang hạn hẹp. ACV hứa hẹn sẽ hoàn thành sân bay chỉ trong 36 tháng sau khi phê duyệt chủ trương dự án.

Phương án hai, các công trình khu bay sẽ được đầu tư bằng vốn ngân sách trung ương hoặc địa phương, khu hàng không dân dụng sẽ do ACV đầu tư bằng vốn doanh nghiệp. Dự kiến cần 40 tháng để hoàn thành dự án nếu triển khai theo phương án này.

Tháng 8 vừa qua, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao UBND tỉnh Điện Biên là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để đầu tư mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.

Kết luận của Phó thủ tướng nêu rõ việc nghiên cứu đầu tư theo hình thức công - tư PPP là phù hợp trong điều kiện ngân sách còn khó khăn. Tuy nhiên, việc đầu tư theo hình thức này rất phức tạp do nhiều công trình, tài sản tại sân bay Điện Biên thuộc quyền quản lý, khai thác của ACV, VATM và các doanh nghiệp khác. Do đó cần nghiên cứu hình thức đầu tư, quản lý và khai thác hợp lý.

Đề xuất chi gần 11.000 tỷ xây nhà ga T3 Tân Sơn Nhất trong 3 năm

ACV đề xuất xây nhà ga T3 tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để giảm tải cho nhà ga T1 với nguồn vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng.

Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm