Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lãnh đạo hãng hàng không than khổ vì 'không có tấc đất cắm dùi'

Đầu tư hạ tầng sân bay trở thành vấn đề bức xúc của cả hãng bay lẫn doanh nghiệp cảng trong bối cảnh Vinpearl Air, Vietravel Airlines và Kite Air sắp ra đời.

Tại tọa đàm "Hàng không Việt - Cơ hội và thách thức" diễn ra ngày 11/12, câu chuyện về nút thắt hạ tầng hàng không được bàn luận sôi nổi bởi đại diện của các hãng bay, doanh nghiệp khai thác cảng hàng không và cơ quan quản lý nhà nước.

Trong phiên thảo luận về giải pháp để hàng không Việt Nam phát triển bền vững, cụm từ "hạ tầng" được các diễn giả lặp lại không dưới 40 lần.

Tấc đất cắm dùi cho hãng bay

Câu chuyện quá tải hạ tầng hàng không trở thành vấn đề nóng khi có 3 doanh nghiệp "xếp hàng chờ bay" trong những năm tới là Vinpearl Air, Vietravel Airlines và Cánh Diều. 5 hãng bay đang hoạt động cũng lo ngại giới hạn về hạ tầng sẽ kìm hãm đà phát triển của mình.

Hãng hàng không VietJet nhiều lần thể hiện mong muốn đầu tư mở rộng hạ tầng hàng không. Gần đây, hãng đề xuất xây dựng nhà ga sân bay Điện Biên và nhà ga sân bay Chu Lai nhưng chưa được chấp thuận.

than phien ha tang hang khong anh 1
Ông Đinh Việt Phương, Phó giám đốc hãng hàng không VietJet. Ảnh: Ngọc Tân.

"Giờ chúng tôi vẫn không có một tấc đất cắm dùi trên 22 sân bay. Muốn có cơ sở để sửa chữa bảo dưỡng tàu bay không có, cơ sở để làm các dịch vụ mặt đất không có, cơ sở để chính lực lượng tiếp viên và hãng làm việc không có", ông Đinh Việt Phương, Phó giám đốc VietJet than phiền.

Chia sẻ với VietJet, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho biết "hạ tầng" và "đảm bảo an toàn" cũng là vấn đề lớn của họ trong giai đoạn hiện nay. Hãng này cũng có đất quy hoạch để xây hangar nhưng 3 năm nay chưa xây được vì không biết xin phép ở đâu.

"Để xây được thì phải có sổ đỏ mà sổ đỏ ở sân bay thì chưa ai cấp cả. Anh Thắng (ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không - PV) quản lý đất, được giao cho người khác sử dụng nhưng anh Thắng không phải UBND TP, không cấp sổ đỏ được", ông Thành chia sẻ.

Trước quan điểm của các hãng bay, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho rằng mọi vấn đề mà các diễn giả bàn luận cuối cùng đều quay về hạ tầng và slot. "Chúng tôi chỉ có một cảng hàng không mà có đến 4, 5 hãng ra đời, ông nào cũng muốn cắm dùi, không thể như vậy được", lãnh đạo ACV giải thích.

Ai cũng sốt ruột về hạ tầng, mỗi "cơ chế" là đủng đỉnh

Ông Lại Xuân Thanh cho biết để các hãng bay mới ra đời thì phải đáp ứng tốt về hạ tầng. Tình cảnh hiện tại là Nhà nước sốt ruột, Chính phủ suốt ruột, Bộ GTVT sốt ruột, hãng hàng không cũng sốt ruột, có mỗi "anh cơ chế" cứ đủng đà đủng đỉnh.

Theo lãnh đạo ACV, nghịch lý về cơ chế được thể hiện rõ khi đại biểu Quốc hội chỉ trích doanh nghiệp Nhà nước chậm chạp, phải đấu thầu nọ kia, nên để cho tư nhân làm hạ tầng cho nhanh. "Đẻ ra luật, bắt tôi đấu thầu rồi bảo làm theo luật sẽ chậm nên không làm nữa. Tôi không hiểu lộn tùng phèo thế nào", ông Thanh băn khoăn.

than phien ha tang hang khong anh 2
Theo Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng, số lượng hãng bay của Việt Nam còn rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Đồ họa: Ngọc Tân.

Trong bối cảnh phải nhanh chóng cải thiện hạ tầng, ACV cho biết tình hình giải ngân của doanh nghiệp trong năm nay rất thấp, cả năm chưa triển khai được dự án nào. Nút thắt hiện nay là phải chờ hoàn thiện quy hoạch chi tiết của hệ thống cảng hàng không sân bay. Điều này doanh nghiệp không được làm mà phải do Nhà nước.

Khi cả hãng bay lẫn doanh nghiệp cảng đều than phiền, sự chú ý được dồn về Cục Hàng không với chức năng quản lý Nhà nước.

Trước câu hỏi vì sao chưa giải quyết xong bất cập về hạ tầng nhưng vẫn cấp phép cho các hãng hàng không mới, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không cho rằng việc tăng số hãng bay vẫn phải thực hiện như xu hướng tất yếu của thị trường. Với nhu cầu thị trường hiện nay, ông Thắng khẳng định không hãng bay nào "đói" nếu làm ăn lành mạnh.

Hiện có 3 doanh nghiệp đề xuất thành lập hãng hàng không gồm Vinpearl Air, Kite Air (Cánh Diều) và Vietravel Airlines. Tương lai Việt Nam sẽ có 8 hãng hàng không. Theo ông Đinh Việt Thắng, con số này vẫn chưa nhiều so với các nước trong khu vực.

Còn về vấn đề hạ tầng, lãnh đạo Cục Hàng không cho biết đề án của các hãng sắp thành lập đều không lựa chọn Tân Sơn Nhất là điểm quyết định của họ. Các sân bay khác vẫn đảm bảo được năng lực và vẫn tiếp tục phát triển.

"Chúng tôi đang hàng ngày nghĩ cách để tăng cường năng lực. Những nút thắt về thể chế tới đây sẽ được tháo gỡ. Hạ tầng cũng sẽ phải đẩy mạnh. Giải pháp cho Tân Sơn Nhất vẫn là sân bay Long Thành và nhà ga hành khách T3", ông Thắng khẳng định.

Trong tháng 12 này, Tân Sơn Nhất và Nội Bài sẽ ra đời 2 trung tâm điều hành sân bay gọi là Airport Operation Control Center để tạo lập một quy trình để nâng cao năng lực, sử dụng hiệu quả nguồn lực. Bản thân các hãng hàng không cũng phải cải tiến để giảm thời gian quay đầu của máy bay, tăng tần suất lên.

Việt Nam điều hành 970.000 chuyến bay an toàn trong năm 2019

Tần suất điều hành bay của Việt Nam đang tiến gần đến mốc 1 triệu chuyến/năm do xu hướng mở cửa bầu trời và thị trường hàng không phát triển nhanh chóng.



Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm