Vào ngày 15/3, Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt 2 cùng 39 quốc gia khác. Theo đó, Việt Nam sẽ là một trong số quốc gia được ưu tiên xem xét các chuyến bay thẳng tới Trung Quốc, bỏ yêu cầu cung cấp kết quả xét nghiệm PCR trước 48 giờ, du khách nhập cảnh chỉ cần cung cấp kết quả xét nghiệm nhanh hoặc tổ chức xét nghiệm xác suất 2%.
Thông tin này đã mang đến sự sôi động cho không chỉ thị trường du lịch mà còn cả thị trường hàng không Việt Nam. Các hãng hàng không Việt Nam đang ráo riết chuẩn bị để sẵn sàng đón lượt khách Trung Quốc đầu tiên đến Việt Nam.
Giá vé giảm 50%
Hiện, theo ghi nhận của Zing, không có nhiều chuyến bay thẳng từ Việt Nam đến Trung Quốc. Giá vé so với hồi tháng 1 đã giảm giá đáng kể, nhiều chặng rẻ hơn từ 50% đến 70% so với trước đây. Các chuyến bay từ Hà Nội đi Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thành Đô, Thâm Quyến có rẻ nhất từ 7 đến 12 triệu đồng. Hồi đầu tháng 1, các chuyến bay này đều có giá từ 20 đến 50 triệu đồng.
Ở chặng Hà Nội - Bắc Kinh, giá vé rẻ nhất là 10 triệu đồng của các hãng Shenzhen, Cathay Pacific liên kết với Vietnam Airlines và China Southern. Khách hàng phải quá cảnh ở Hàn Quốc hoặc Hong Kong.
Chặng Hà Nội - Quảng Châu có giá rẻ nhất là 7,6 triệu đồng khi bay với Vietnam Airlines. Nếu bay thẳng với China Southern, hành khách phải trả khoảng 12,2 triệu đồng.
Giá vé từ Hà Nội đi Quảng Châu dao động từ 7,6 đến 12,2 triệu đồng. Ảnh: Google Flight |
Tương tự, hành khách bay đến Trung Quốc từ TP.HCM đã có thể mua vé với mức giá dễ chịu hơn hẳn hồi đầu năm. Giá vé rẻ nhất bay đến Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu lần lượt là 8,5 triệu đồng, 9,5 triệu đồng và 7,7 triệu đồng.
Theo Google Flight, giá vé các chuyến bay Việt Nam đến Trung Quốc ở giai đoạn này đang ở mức bình thường và ổn định từ tháng 3 đến tháng 6.
Gấp rút nhưng cẩn trọng
Chia sẻ với Zing, đại diện Bamboo Airways cho biết thị trường Trung Quốc hiện nằm trong kế hoạch ưu tiên phát triển của Bamboo Airways.
Từ tháng 4, Bamboo Airways dự kiến bắt đầu khai thác đường bay charter Nha Trang - Macao với tần suất 4 chuyến/tuần cùng và Hà Nội/TP.HCM - Hà Khẩu với tần suất 3 chuyến/tuần/đường bay. Đối với các điểm đến khác, hãng đang trong quá trình đàm phán với đối tác, dự kiến sẽ triển khai thêm các đường bay mới từ tháng 5 đến tháng 6 nếu điều kiện cho phép.
Vietravel Airlines chia sẻ đã liên kết chặt chẽ cùng công ty du lịch Vietravel cũng đã ký hợp đồng thỏa thuận với một số đối tác để thực hiện các chuyến bay thuê chuyến (charter) từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại trong thời gian sắp tới. Hãng tập trung vào các chặng bay kết nối một số thành phố lớn của Trung Quốc với Nha Trang (Khánh Hòa) là Hàng Châu - Cam Ranh, Thường Châu - Cam Ranh, Côn Minh - Cam Ranh.
Hãng cũng xem đây là bước đệm để chuẩn bị sẵn sàng cho cao điểm du lịch hè.
Còn với Vietnam Airlines, hãng đã chuẩn bị cho sự phục hồi của thị trường hàng không, du lịch Trung Quốc từ rất sớm. Trong tháng 3, hãng tăng tần suất các chuyến bay kết nối Hà Nội, TP.HCM với Quảng Châu và Thượng Hải đồng thời nối lại đường bay Hà Nội - Bắc Kinh.
Lộ trình tiếp theo của Vietnam Airlines sẽ mở lại 4 đường bay là giữa Đà Nẵng và Quảng Châu, Thượng Hải, Thành Đô; giữa Hà Nội và Thành Đô, cũng như tăng cường đưa máy thân rộng Airbus A350 và Boeing 787 vào khai thác trên đường bay Trung Quốc. Vietnam Airlines cũng đang nghiên cứu mở đường bay kết nối Hà Nội với sân bay Đại Hưng, Bắc Kinh.
Về phía Trung Quốc, hãng China Southern cũng có kế hoạch mở lại các đường bay thương mại từ Trung Quốc đến sân bay quốc tế Cam Ranh, Khánh Hòa và tăng dần số chuyến bay từ tháng 4.
Bên cạnh sự gấp rút, các ngành hàng không cũng rất cẩn trọng khi trở lại thị trường tỷ dân. Theo ông Đinh Việt Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không, nhiều sân bay của Trung Quốc bị thiếu nhân lực nên còn hạn chế về năng lực phục vụ các chuyến bay quốc tế hậu Covid-19. Do vậy các hãng hàng không Việt Nam muốn tăng chuyến thì phải làm việc cụ thể với từng sân bay.
"Dự tính tăng khai thác các chuyến bay tới Trung Quốc đã được dự liệu lâu nay nhưng bay quốc tế phụ thuộc nhiều vào nhân tố bên ngoài nên chúng tôi phải cân nhắc rất kỹ" - ông Sơn nhấn mạnh.
Chia sẻ với Zing, TS Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA), cho biết Trung Quốc là thị trường truyền thống của Việt Nam. Khi khai thác trở lại, hãng hàng không Việt sẽ có lợi thế là đã được nhận biết thương hiệu.
Tuy vậy, việc khôi phục cũng phát sinh chi phí cạnh tranh bên cạnh rào cản phòng chống dịch bệnh. Các ngành, địa phương cần tiếp tục tháo gỡ các rào cản về du lịch cũng như xây dựng chiến dịch quảng bá, thu hút và nâng cao chất lượng dịch vụ để nâng cao sức cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế