Việt Nam đang là một trong những thị trường hàng không phát triển nóng nhất thế giới, tuy nhiên không nhiều hãng bay Việt được đánh giá cao về chất lượng dịch vụ.
10 hãng bay tốt nhất có 9 đại diện châu Á, 2 đại diện Đông Nam Á
Bảng xếp hạng chất lượng dịch vụ tại giải thưởng World Airlines Awards 2018 của Skytrax được coi như Oscar của ngành hàng không. Theo đó, các hãng hàng không được đánh giá dựa trên 20,36 triệu khảo sát, và chấm điểm cao nhất là 5 sao. Việc chấm điểm dựa trên các yếu tố như dịch vụ trên máy bay, dịch vụ mặt đất, sân bay, bao gồm 49 tiêu chí nhỏ.
Trong bảng xếp hạng của Skytrax, có 12 hãng được chấm 5 sao, trong đó châu Á chiếm đa số, với 8 hãng bay. Riêng Đông Nam Á đóng góp 2 hãng hàng không 5 sao, là Garuda Indonesia và Singapore Airlines.
Hãng hàng không được Skytrax đánh giá tốt nhất thế giới chính là Singapore Airlines. Sau 10 năm cải thiện chất lượng dịch vụ, hãng này đã trở lại ngôi đầu, khi lần gần nhất đạt được danh hiệu này đã là năm 2008.
Qatar Airways, đứng đầu năm ngoái, đã tụt xuống vị trí thứ 2. Hãng này đứng đầu xếp hạng của Skytrax trong các năm 2011, 2012, 2015 và 2017.
Vietnam Airlines 3 năm liên tiếp 4 sao, Jetstar, Vietjet không có tên
Theo xếp hạng của Skytrax, chỉ duy nhất một hãng bay Việt lọt vào top 100 hãng hàng không tốt nhất thế giới, là Vietnam Airlines. Hãng hàng không quốc gia Việt Nam xếp thứ 50 trong tổng số 100 hãng bay dẫn đầu, giảm 3 bậc so với năm 2017.
Vietnam Airlines là một trong 12 hãng hàng không ở khu vực châu Á được đánh giá 4 sao. Trên thế giới, có 42 hãng bay được đánh giá ở mức này.
Hai hãng hàng không khác của Việt Nam là Vietjet Air và Jetstar Pacific đều không lọt vào nhóm này.
Vietnam Airlines được Skytrax đánh giá là hãng hàng không 4 sao năm thứ 3 liên tiếp nhờ chất lượng dịch vụ tại hạng phổ thông cao cấp chặng dài, hạng phổ thông chặng dài, hạng thương gia chặng ngắn và hạng phổ thông chặng ngắn đạt chuẩn 4 sao của tổ chức này.
Chỉ duy nhất hạng ghế thương gia chặng dài của hãng không đạt chuẩn 4 sao mà mới ở mức 3,5 sao.
Dịch vụ nào của Vietnam Airlines không đạt 4 sao?
Với Vietnam Airlines, các dịch vụ ở 2 hạng vé phổ thông và phổ thông cao cấp được đánh giá tương đối tốt, với hầu hết tiêu chí được chấm 4 sao.
Trong khi đó, hạng thương gia lại cho bức tranh khá chênh lệch.
Có 2 tiêu chí hãng bay được chấm 4,5 sao là sự hỗ trợ của nhân viên khi khách đến, sự thoải mái của ghế ngồi trên các chuyến bay ngắn. Có đến 18 trong tổng số 49 tiêu chí bị đánh giá 3,5 sao, trong đó các chuyến bay dài chiếm một nửa.
Chất lượng dịch vụ từ đội ngũ nhân viên của Vietnam Airlines cũng là vấn đề lớn với hạng thương gia của hãng hàng không quốc gia Việt Nam, khi có tới 7 tiêu chí không đạt 4 sao.
Nhân viên trên các chuyến bay dài cũng không đạt 4 sao ở 5 tiêu chí: kỹ năng và năng lực phục vụ, sự nhiệt tình và thân thiện, tính cá nhân hóa của dịch vụ, sự tương tác với hành khách cũng như kỹ năng ngôn ngữ.
Với các chuyến bay ngắn, chất lượng dịch vụ của các nhân viên Vietnam Airlines dù được cải thiện, vẫn còn 2 tiêu chí là sự tương tác với hành khách và kỹ năng ngôn ngữ không đạt 4 sao. Đây cũng là 2 tiêu chí bị chấm điểm 3,5 sao ở hạng phổ thông.
Bên cạnh đó, phòng chờ hạng thương gia cũng là vấn đề lớn. Có tới 5 trong số 14 tiêu chí đánh giá về phòng chờ này không đạt 4 sao.
Cụ thể, các tiêu chí được chấm 3,5 sao bao gồm: tiêu chuẩn phòng vệ sinh, tiêu chuẩn phòng tắm, chất lượng thức ăn được phục vụ, năng suất phục vụ của đội ngũ nhân viên và kỹ năng ngôn ngữ của đội ngũ nhân viên.
Các trang thiết bị trên chuyến bay dài cũng bị đánh giá chưa đạt chuẩn 4 sao với 5 trong số 12 tiêu chí, bao gồm vật dụng mang lại sự thoải mái như gối, chăn bông, độ ngã lưng; độ sạch sẽ của cabin và ghế, độ sạch sẽ của buồng vệ sinh, giải trí trên máy bay và tính linh hoạt của dịch vụ cung cấp bữa ăn.
Ngoài ra, ở chất lượng dịch vụ tại sân bay, cụ thể là tại sân bay Nội Bài, Vietnam Airlines bị đánh giá 3,5 sao đối với cơ sở vật chất phục vụ check-in hạng thương gia.