Hãng hàng không startup của Tập đoàn FLC đã đưa ra kế hoạch bay chuyến đầu tiên vào ngày 10/10. Lãnh đạo của doanh nghiệp cũng khẳng định chắc chắn về tham vọng sẽ đưa Bamboo Airways cất cánh trong giai đoạn cuối năm 2018.
Dù rầm rộ chuẩn bị, Bamboo Airways vẫn đang thiếu nhiều yếu tố quan trọng để chính thức đi vào vận hành.
Đang có gì trong tay?
FLC đang từng bước đưa Bamboo Airways tới gần hơn với chuyến bay thương mại đầu tiên, mà tín hiệu tích cực nhất là dự án đầu tư hàng không của tập đoàn này được phê duyệt.
FLC để lên lịch cho chuyến bay đầu tiên của Bamboo Airways vào ngày 10/10. Ảnh: FLC. |
Đầu tháng 7/2018, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Tre Việt tại Cảng hàng không Phù Cát, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
Ngay sau đó, Bamboo Airways tiếp tục được tăng vốn điều lệ lên mức 1.300 tỷ đồng, gần gấp đôi so với mức 700 tỷ đồng ban đầu. Lượng vốn điều lệ này đủ để hãng được phép nâng số lượng tàu bay khai thác lên trên 30 chiếc.
Tuy nhiên, trong chủ trương đầu tư được Thủ tướng phê duyệt thì quy mô dự án hàng không Tre Việt đến năm 2023 mới được khai thác 10 tàu bay loại A320/A321 hoặc B737. Vì vậy, dù có tăng vốn thì nhiều khả năng Bamboo Airways sẽ không thể nâng số lượng tàu bay khai thác quá 10 chiếc trước năm 2023.
Bên cạnh đó, Bamboo Airways cũng gây bất ngờ khi mạnh tay ký 2 hợp đồng với Boeing và Airbus để đặt mua 44 máy bay các loại. Cụ thể, đầu tháng 3/2017, Bamboo Airways đã đạt thỏa thuận về việc hợp tác mua 24 máy bay A321NEO trị giá 3 tỷ USD.
Số máy bay này sẽ được phía Airbus giao dần trong giai đoạn 2022-2025.
Ngày 25/6, FLC tiếp tục ký kết hợp đồng tiếp theo mua 20 chiếc 787-9 từ Boeing với tổng trị giá hợp đồng được Reuters ước tính vào khoảng 5,6 tỷ USD.
Theo hợp đồng, Boeing sẽ giao dần 20 chiếc 787-9 này từ tháng 4/2020 đến hết năm 2021.
Bamboo Airways mạnh tay mua sắm với 2 thương vụ với Airbus và Boeing. Ảnh: FLC. |
Hai hợp đồng trên đồng nghĩa để cất cánh trong năm 2018, FLC sẽ phải vận hành bằng máy bay đi thuê, và nhiều khả năng là thuê không có tổ lái đi kèm, hay còn gọi là thuê "khô".
Trả lời phỏng vấn báo chí đầu tháng 7, CEO của hãng, ông Đặng Tất Thắng, cho biết hãng sẽ thuê trước 10 chiếc máy bay trong năm 2018, rồi tăng lên 50 chiếc trong 3 năm tiếp theo, trong khi chờ máy bay đặt mua.
Trong nhiều tháng qua, Bamboo Airways đã liên tục tuyển dụng phi công và tiếp viên. Hãng đã đăng tuyển 92 phi công (bao gồm cơ trưởng, cơ phó), 250 tiếp viên, trong đó tiếp viên trưởng là 45 người.
Theo số liệu từ Airlines Financial, các hãng hàng không lớn trên thế giới thường bố trí 10-20 phi công vận hành một chiếc Airbus A320, với con số trung bình là 13,5 phi công cho một chiếc A320.
Với việc tuyển 92 phi công, hãng có thể vận hành khoảng 7 chiếc A380, vượt xa so với số lượng 3 máy bay mà hãng được phép vận hành từ nay tới năm 2023, theo nội dung đề án đầu tư hàng không FLC đề xuất.
Thiếu những gì?
Bamboo Airways của FLC vẫn đang thiếu một yếu tố rất quan trọng để cất cánh chuyến bay đầu tiên, đó là giấy phép bay từ Cục Hàng không. Khi phê duyệt dự án, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Giao thông Vận tải thẩm định và cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo đúng quy định của pháp luật. Tới nay, hãng vẫn chưa có trong tay giấy phép này, đồng nghĩa Bamboo Airways chưa thể kinh doanh hàng không.
Cả 2 sân bay Phù Cát và Đồng Hới đều không thuận lợi cho tham vọng đưa khách du lịch quốc tế tới các khu du lịch của FLC. |
Bên cạnh đó, hãng cũng chưa có một sân bay đủ tốt để thực hiện tham vọng mở 24 đường bay nội địa và 16 đường bay quốc tế, như lãnh đạo hãng từ chia sẻ.
Chọn sân bay Phù Cát làm "đại bản doanh", nhưng FLC lại đang thực hiện dự án nâng cấp sân bay Đồng Hới. Tuy nhiên cả hai sân bay này đều không phải là sân bay quốc tế theo Quy hoạch phát triển vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, được Thủ tướng phê duyệt.
Hơn nữa, cả hai sân bay này chỉ cho phép khai thác các tàu bay loại nhỏ như A320, A321 hoặc tương đương, không khai thác được các tàu bay thân rộng như Boeing 787-9 mà Bamboo Airways vừa đặt mua 20 chiếc.