Theo Dự báo Dịch vụ toàn cầu vừa được công bố vào tháng 10, Airbus cho rằng năm 2023, thị trường dịch vụ hàng không sẽ phục hồi về mức trước đại dịch Covid-19.
Thiếu nhân lực sau đại dịch
Airbus cũng dự báo năm 2041 ngành hàng không thế giới cần tuyển mới 585.000 phi công, 640.000 nhân viên kỹ thuật và 875.000 tiếp viên hàng không. Philippe Mhun, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách Chương trình và Dịch vụ của Airbus, khẳng định trong thời gian ngắn, các dự án của hãng sẽ phục hồi bằng giai đoạn trước đại dịch. Các hoạt động tuyển dụng, đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao sẽ trở thành trọng tâm đối với sự phát triển bền vững, dài hạn.
Trong 20 năm tới, báo cáo Triển vọng Phi công và Kỹ thuật viên từ Boeing cũng dự báo cần khoảng 2,1 triệu nhân viên hàng không mới để đáp ứng sự phát triển bền vững của ngành. Cụ thể, thế giới sẽ cần 602.000 phi công, 610.000 kỹ thuật viên bảo trì và 899.000 tiếp viên hàng không để vận hành đội bay dự kiến tăng gần gấp đôi - lên đến 47.080 chiếc vào năm 2041.
Hàng không thế giới cần lượng nhân lực “khủng” trong thời gian tới để đáp ứng tốc độ phục hồi và tăng trưởng dài hạn của thị trường. Ảnh: M.H. |
"Khi ngành hàng không thương mại phục hồi sau đại dịch và có kế hoạch phát triển dài hạn, chúng tôi dự đoán nhu cầu nhân viên hàng không cũng như nhu cầu liên tục về đào tạo nhân lực chất lượng cao sẽ ổn định và ngày càng tăng", Chris Broom, Phó chủ tịch phụ trách giải pháp đào tạo thương mại cho các dịch vụ toàn cầu của Boeing, cho biết.
Cơ hội đào tạo nhân lực tại Việt Nam
Ông Trần Hữu Quốc, Giám đốc Học viện Hàng không Vietjet (VJAA), cho biết: “Theo báo cáo của IATA, Việt Nam đứng đầu danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Điều đó đòi hỏi lực lượng lao động chất lượng cao luôn trong tư thế sẵn sàng”.
Đó cũng là lý do những năm gần đây, VJAA đẩy mạnh hợp tác, đầu tư cho hoạt động đào tạo tất cả nghiệp vụ hàng không theo tiêu chuẩn quốc tế, từ giáo trình, phương pháp huấn luyện, đội ngũ giảng viên đến cơ sở vật chất. Thời lượng thực hành tăng, giúp học viên nhanh chóng làm quen, áp dụng kiến thức vào môi trường thực tế trong suốt thời gian đào tạo.
VJAA là một trong những cơ sở đào tạo nghiệp vụ hàng không hàng đầu tại khu vực, được phê chuẩn bởi Cục Hàng không Việt Nam. Bên cạnh các hoạt động đào tạo nội bộ được giảng dạy bởi giảng viên giàu kinh nghiệm, học viên còn được gửi đến Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), hai nhà sản xuất tàu bay hàng đầu thế giới Airbus và Boeing, các trường bay quốc tế để tham gia khoá học mở rộng.
Sau khi hoàn tất chương trình học, với chứng chỉ được công nhận, học viên VJAA có thể làm việc cho bất kỳ hãng bay, cảng hay công ty hàng không nào trong nước và quốc tế với đa dạng nghiệp vụ. Đặc biệt, học viên có cơ hội việc làm tại Vietjet - một trong những hãng hàng không năng động với mạng bay rộng khắp.
Vietjet trang bị những buồng lái giả định (SIM) thế hệ mới nhất của Airbus để phục vụ cho việc đào tạo phi công. Ảnh M.H. |
Mỗi năm, VJAA cung ứng cho thị trường gần 3.000 lao động trong lĩnh vực hàng không, góp phần củng cố sự phát triển bền vững của ngành.
“Chúng tôi đào tạo đa dạng nghiệp vụ hàng không như phi công, điều phái bay, tiếp viên hàng không, kỹ sư, dịch vụ mặt đất, điều khiển vận hành thiết bị hàng không chuyên dụng, bán vé, tổng đài và giảng viên hàng không. Trong đó, phi công, tiếp viên hàng không, kỹ sư và nhân viên mặt đất là 4 nghiệp vụ được giới trẻ quan tâm, đăng ký nhiều nhất qua các mùa tuyển sinh”, ông Quốc cho biết.
Đây cũng là tín hiệu đáng mừng của hàng không Việt khi người trẻ mạnh dạn tiếp cận và chinh phục một trong những nhóm ngành thử thách nhất trên thế giới.
Cũng theo ông Quốc, chương trình đào tạo phi công cơ bản của VJAA đang được đầu đầu tư mạnh nhằm phục vụ kế hoạch phát triển riêng của doanh nghiệp: “Vietjet có kế hoạch phát triển đội bay hiện đại với cả Airbus và Boeing, mở rộng mạng bay đến thị trường tiềm năng tại Ấn Độ, châu Âu, châu Úc cũng như tăng tần suất chuyến bay nội địa. Đây là cơ hội lớn đối với hàng trăm phi công trẻ cả về kinh nghiệm, trải nghiệm lẫn con đường sự nghiệp”.