Theo lãnh đạo các hãng hàng không, nguyên nhân chính của thực trạng trên là do hoạt động vận tải hàng không đang vấp phải những rào cản về sự yếu kém của hạ tầng và chất lượng phục vụ mặt đất tại các sân bay.
30 phút di chuyển được hơn 1 km
Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) Dương Trí Thành cho biết, hiện nay nguy cơ chậm, hủy chuyến không chỉ chờ đến dịp cao điểm mà có thể diễn ra quanh năm, vào bất cứ ngày nào do hạ tầng sân bay bất cập.
Điển hình như một chuyến bay cất cánh hoặc hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) phải mất 30 phút để lăn từ bãi đỗ ra đường băng hoặc ngược lại (quãng đường này chỉ hơn 1 km). Tại sân bay Nội Bài (Hà Nội), từ khi có nhà ga hành khách quốc tế T2, thời gian nối chuyến tăng từ 90 phút lên 120 phút vì khoảng cách xa so với nhà ga hành khách nội địa T1.
“Nếu trước đây, thời tiết là thách thức lớn nhất thì nay tình trạng ách tắc giao thông hàng không ngày càng gay gắt. Quản lý bay không phải vấn đề mới nhưng ngày càng bức xúc vì ách tắc giao thông không lưu. Còn phía ngoài cổng sân bay Tân Sơn Nhất cũng luôn tắc đường cả km”, ông Thành nói.
Máy bay của Vietnam Airlines tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. |
Đại diện Hãng hàng không Jetstar Pacific - ông Tạ Hữu Thanh - cũng đánh giá, cơ sở vật chất ở các sân bay lẻ không tốt là nguyên nhân gây khó khăn cho các hãng hàng không. Sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa), Cam Ranh (Khánh Hòa) rất ít ghế ngồi, ngay cả người già, phụ nữ có thai cũng phải đứng. Năm 2015 là năm du lịch Thanh Hóa nên các hãng mở thêm nhiều đường bay theo đề nghị của tỉnh. Do đó cần cải tạo hạ tầng, bố trí lại cho các nhu cầu cần ưu tiên trước.
“Cần tăng nhân lực cho các sân bay lẻ để ứng phó với tình huống tăng chuyến đột ngột, tránh tình trạng mỗi khi ùn ứ, khách gửi tin nhắn đến cơ quan chức năng, bộ ngành. Ngoài ra, nên kéo dài hoạt động của sân bay đến 21h hàng ngày thay vì 18h để tạo điều kiện cho hoạt động khai thác chung”, ông Tạ Hữu Thanh đề xuất.
Giá đầu vào cao, chất lượng thấp
Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho hãng hàng không được Cục Hàng không Việt Nam tổ chức tuần qua ở Hà Nội, đại diện nhiều hãng hàng không cho rằng, chất lượng phục vụ của các sân bay đang không theo kịp yêu cầu phát triển.
Có nhiều thuận lợi hơn nhưng theo lãnh đạo Vietnam Airlines, hiện nay hãng chỉ được tự phục vụ hành khách tại 3 nhà ga Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Nội Bài, còn lại giao trả cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. Tuy nhiên, chất lượng của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam không tốt; trong khi theo thông lệ quốc tế, các hãng hàng không cần được tự phục vụ để tiết giảm chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Hãng hàng không tư nhân VietJet cho biết, vì “sinh sau đẻ muộn”, hãng hoàn toàn không có mặt bằng tại các sân bay, không có công ty phục vụ mặt đất, không có công ty cung ứng trực thuộc và là hãng hàng không duy nhất mà toàn bộ dịch vụ cung ứng tại sân bay và các cảng hàng không đều không tự mình cung cấp. Do đó, chất lượng dịch vụ dành cho khách hàng của VietJet tại các sân bay phụ thuộc rất nhiều vào sự phối hợp giữa các bên, từ khâu làm thủ tục cho hành khách, tiếp nhận hành lý, dịch vụ sân đỗ, trả hành lý trên băng chuyền…
Ngoài ra, lãnh đạo VietJet cũng cho biết, đang phải chịu một số chi phí đầu vào cao như nhiên liệu, cung cấp suất ăn trên máy bay. Về suất ăn, hãng đang cung cấp thực đơn 9 món ăn nóng trên chuyến bay nhưng các đơn vị cung ứng tại các đầu sân bay chỉ đáp ứng được từ 2-5 món. Trong đó, giá cung cấp cho các suất ăn cung ứng tại Nội Bài và Đà Nẵng cao hơn đáng kể so với TP HCM... Tỷ lệ thất thoát xăng dầu của nhà cung cấp (Vinapco) lên đến 2% khiến mỗi năm VietJet dự kiến mất 120 tỷ đồng.
“Chúng tôi đề nghị được tham gia cùng với các đơn vị cung cấp dịch vụ mặt đất trong khâu tuyển chọn nhân viên phục vụ cho chuyến bay của VietJet, đồng thời phát động chương trình khen thưởng, khích lệ trực tiếp tới các nhân viên phục vụ tốt khách hàng và có quyền được đề nghị kỷ luật thay thế nhân viên nếu có vi phạm về tiêu chuẩn dịch vụ khách hàng”, lãnh đạo VietJet đề xuất.
Đang nỗ lực tháo gỡ
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam thừa nhận, những phản ánh của các hãng hàng không là “vấn đề cũ”, tồn tại từ lâu nhưng chưa được giải quyết rốt ráo một phần do sự phối hợp giữa các bên chưa tốt. Cơ quan quản lý đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo diễn đàn điều phối hàng không với mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng hoạt động hàng không vì sự hài lòng hơn của doanh nghiệp và người dân.