Để có được sự yêu mến của người hâm mộ như vậy, Hà Nội FC đã có quá trình đầu tư bài bản, các cầu thủ thi đấu cống hiến hết mình vì màu cờ sắc áo của CLB.
Những khán đài thưa thớt
Hàng Đẫy từng là sân bóng ít khán giả nhất V.League. Mùa 2013, khi CLB bóng đá Hà Nội đua vô địch với Đà Nẵng tới những vòng cuối cùng, trận cầu giữa hai đội chỉ có 5.000 CĐV tới sân.
5.000 người lọt thỏm giữa khán đài hơn 20.000 chỗ ngồi như lời khẳng định người hâm một thủ đô từng không dành nhiều tình cảm cho đội bóng.
Chia sẻ với báo giới trong một cuộc họp báo ở Cẩm Phả hồi năm 2014, cựu HLV trưởng Phan Thanh Hùng vừa cười vừa giải thích: “Người ta cứ hỏi chúng tôi rằng không có cổ động viên thì có chạnh lòng không? Tôi nói thật là giờ thì không chạnh lòng nữa. Chúng tôi quen rồi, chúng tôi sẽ phải cố gắng từng bước để chinh phục khán giả”.
Hàng Đẫy từng là sân bóng ít khán giả nhất V.League. Ảnh: Việt Hùng |
Mùa giải 2013 là năm thứ tư sau khi Hà Nội T&T (tên gọi trước đây của CLB bóng đá Hà Nội) lên hạng. Thời họ mới lên V.League, bóng đá thủ đô vẫn còn 4 đại diện ở sân chơi cao nhất. Ngoài CLB bóng đá Hà Nội, Hòa Phát Hà Nội, Hà Nội ACB, Thể Công vẫn còn tồn tại.
Nhưng không một cái tên nào trong số ấy trụ lại được ở V.League. Mỗi đội bóng chỉ tồn tại một vài mùa rồi biến mất. Cho tới khi Viettel thăng hạng ở mùa giải 2019, bóng đá thủ đô đã trải qua gần một thập kỷ chỉ có một đại diện ở hạng đấu cao nhất.
Vấn đề của CLB bóng đá Hà Nội cũng là điều mà nhiều đội bóng khác gặp phải ở các đô thị lớn. Trước Hà Nội, các đội bóng tại TP.HCM cũng thất bại trong việc xóa đi ký ức Cảng Sài Gòn, Công an TP.HCM trong trái tim người Sài Gòn. Đó cũng là điều dễ hiểu xét trên lịch sử tồn tại, sự gắn bó mật thiết và niềm tự hào mà người Hà Nội hay TP.HCM dành cho những huyền thoại cũ.
Một số CLB trong lịch sử V.League đã không hiểu điều này. Chính sách “ăn xổi”, những sự đầu tư ồ ạt và vội vàng, việc không đánh giá đúng mức niềm tự hào bản địa khiến họ không thể trở thành biểu tượng mới ở Hà Nội và TP.HCM.
Chức vô địch quốc gia năm 2013 biến CLB bóng đá Hà Nội (lúc đó có tên gọi Hà Nội T&T) trở thành đội bóng thành công thứ hai trong lịch sử V.League. Họ cũng trở thành CLB mạnh nhất trong thời kỳ đó với 2 lần đăng quang sau 5 năm, 5 mùa liên tiếp có mặt trong top 2 đội dẫn đầu.
Chính sách hướng về Hà Nội
Trên đội một, họ từng bước đưa về những người con Hà Nội. Đội hình chính Hà Nội T&T gặp Đà Nẵng lượt về mùa 2013 chỉ có 4 cầu thủ quê Hà Nội gồm Nguyễn Quốc Long, Nguyễn Ngọc Duy, Phạm Thành Lương và Nguyễn Văn Quyết. Không ai trong số họ trưởng thành từ hệ thống trẻ của CLB.
6 năm sau, khi CLB bóng đá Hà Nội gặp April 25 ở chung kết lượt về AFC Cup, đội hình xuất phát của họ có 6 cầu thủ Hà Nội là Đỗ Duy Mạnh, Nguyễn Thành Chung, Nguyễn Quang Hải, Đỗ Hùng Dũng, Phạm Đức Huy và Văn Quyết. Tính cả Phí Minh Long, Phạm Thành Lương trên ghế dự bị, đó hoàn toàn là một đội bóng Hà Nội, với những cầu thủ được sinh ra ở Gia Lâm, Đông Anh, Thạch Thất... Ngoài bộ đôi Lương - Quyết, toàn bộ đều trưởng thành từ lò đào tạo trẻ.
Người hâm mộ bóng đá Thủ đô đang dành nhiều tình cảm, sự mến mộ cho các cầu thủ của Hà Nội FC. |
Bên cạnh SLNA hay Khánh Hòa, CLB bóng đá Hà Nội có tỷ lệ địa phương hóa cao nhất V.League. Điều đó càng ấn tượng hơn nếu biết rằng Hà Nội là đội vô địch. Khác với các CLB tầm trung, họ phải vừa duy trì sức mạnh, vừa xây dựng bản sắc. Cân bằng cả hai vấn đề trên luôn là bài toán khó với mọi tập thể.
Cựu HLV trưởng tuyển nữ Việt Nam Trần Ngọc Thái Tuấn từng nói về cách các đội bóng lấy được tình yêu của người hâm mộ: “Anh muốn người ta yêu mình, anh phải dùng người của địa phương ấy, phải kéo người của họ tới sân. Cô bác họ đi xem là để được gặp con, gặp cháu mình. Họ nhìn thấy thằng anh xóm dưới, anh bạn nhà bên trên sân, họ mới cảm thấy gắn bó, máu mủ với đội bóng. Khi ấy, đội bóng mới thực sự thuộc về nơi mà mình sinh sống”.
Những hình ảnh ấy không phải là điều hiếm gặp ở CLB bóng đá Hà Nội. Mỗi khi đại diện thủ đô ra sân, rất dễ nhìn thấy đại gia đình Quang Hải, Duy Mạnh, Thành Chung hiện diện trên khán đài. Đương nhiên, để làm được điều đó, đội bóng thủ đô đã đánh đổi không ít.
Hệ thống đào tạo trẻ của CLB Hà Nội ra đời từ năm 2009 hiệu quả, chất lượng và được đầu tư bậc nhất tại V.League. Lò đào tạo này đã thống trị các giải trẻ suốt 10 năm qua, đủ sức tung ra một đội hình toàn tuyển thủ và tuyển thủ trẻ quốc gia. Lò đào tạo của bầu Hiển được dẫn dắt bởi các HLV trưởng thành từ chính đội bóng. Nhiều người trong số họ là dân Hà Nội như Trương Việt Hoàng, Nguyễn Đức Thắng, Thạch Bảo Khanh... Nhiều người đang là những HLV tên tuổi ở V.League.
Những khán đài cuồng nhiệt
9 trận đầu tiên của CLB bóng đá Hà Nội ở V.League 2019 đều có trên 10.000 CĐV tới sân. 4 trận sân nhà có lần lượt 13.000, 14.000, 11.000 và 13.000 người tới xem. Không chỉ kéo người hâm mộ thủ đô tới sân, dàn sao CLB bóng đá Hà Nội còn khiến người hâm mộ cả nước phải tới xem. Sân Quảng Nam vòng 2 đón 14.000 CĐV, sân Khánh Hòa vòng 5 đón 10.000 người, sân Bình Dương vòng 8 đón 14.000 người. Trận derby mùa giải với TP.HCM hôm 27/4 có lẽ là đỉnh cao với 17.000 CĐV.
Khi mùa giải đi qua giai đoạn cao trào, vẫn có 6.000 tới 10.000 CĐV tới sân mỗi trận. Lúc sân Hàng Đẫy bị cấm, vẫn có hàng trăm CĐV tụ tập đường phía sau, lập màn hình lớn cổ vũ đội bóng. |
Năm 2019 cũng là năm CLB bóng đá Hà Nội để lại dấu ấn với người hâm mộ trong chương trình giao lưu, chia sẻ ,truyền cảm hứng về niềm tin chiến thắng, vượt qua khó khăn tới người hâm mộ là các em học sinh cấp 2 mang tên Strong Vietnam. Mỗi tuần một lần, những Quang Hải, Tiến Dũng, Duy Mạnh sẽ tới giao lưu với một trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội. Hành trình ấy giúp họ tới gần hơn với người hâm mộ, đồng thời cũng mang lại cho họ những giá trị không thể đo đếm. Rất nhiều CĐV mới, nhiều câu chuyện cảm động đã xuất hiện trên hành trình ấy.
Strong Vietnam có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt, một CLB có một chương trình chủ động, dài hạn, hướng tới CĐV bản địa. Lần đầu tiên, tương tác giữa người hâm mộ và một đội bóng V.League không chỉ còn gói gọn trên những khán đài.
Chương trình của CLB bóng đá Hà Nội có nhiều nét giống với cách làm của các đội bóng Nhật Bản, Hàn Quốc, những quốc gia có lịch sử bóng đá học đường đáng tự hào. Biết đâu, trong số những đứa trẻ đã được truyền cảm hứng bởi Strong Vietnam, sẽ có những Quang Hải, Văn Hậu mới trong tương lai?