Hàng chục nghìn người đã đổ về Jerusalem và bao vây bên ngoài tòa nhà Quốc hội Israel hôm 13/2. Nhiều người từ các khu vực khác của đất nước cũng tới Jerusalem tham gia biểu tình. Trong khi đó, người lao động trong nhiều ngành nghề cũng tổ chức bãi công tại Tel Aviv. |
Ước tính 50.000 người mọi lứa tuổi, xuất thân đã tập trung quanh khu tổ hợp văn phòng của chính phủ ở trung tâm Jerusalem, ngăn chặn các tuyến giao thông. Cuộc biểu tình hôm 13/2 là đỉnh điểm phong trào phản kháng của cử tri Israel đã kéo dài sang tuần thứ 6 nhằm chống lại kế hoạch cải tổ hệ thống tư pháp đầy tranh cãi của chính quyền Thủ tướng Netanyahu. |
Cuộc biểu tình quy mô lớn nổ ra sau khi Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Israel lên kế hoạch tổ chức bỏ phiếu hai dự luật trong ngày 13/2. Một dự luật sẽ trao thẩm quyền lớn hơn cho các quan chức kiểm soát quy trình bổ nhiệm thẩm phán tòa án tối cao. Một dự luật khác cho phép Quốc hội phủ quyết phán quyết của tòa án tối cao bằng đa số quá bán đại biểu Quốc hội. Nếu được thông qua tại Ủy ban Pháp luật, hai dự luật này sẽ được trình Quốc hội để bỏ phiếu. |
Thủ tướng Benjamin Netanyahu là người đứng sau hai dự luật nói trên. Phe đối lập cho rằng các quy định trong hai dự luật sẽ làm lung lay nền tảng cơ bản của nền dân chủ Israel. Việc thông qua hai dự luật nhiều khả năng giúp ông Netanyahu tránh bị truy tố trong phiên tòa diễn ra trước đó liên quan cáo buộc tham nhũng. Ngoài ra, nhiều thành phần cực hữu trong chính phủ liên minh của ông Netanyahu muốn hạn chế quyền lực của tòa án tối cao. |
Tuy vậy, hai dự luật không nhận được sự ủng hộ của cử tri. Từ khi Ủy ban Pháp luật Quốc hội Israel lên kế hoạch bỏ phiếu, hai dự luật này đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong các cử tri ôn hòa và thiên tả. |
Tối 12/2, Tổng thống Isaac Herzog có bài phát biểu trên truyền hình kêu gọi các bên thỏa hiệp, tránh đẩy đất nước vào hoàn cảnh "hiến pháp sụp đổ", có thể dẫn tới bạo lực. |
Phản ứng trước phát biểu của Tổng thống Herzog, Bộ trưởng Tư pháp Yariv Levin, một đồng minh thân cận của Thủ tướng Netanyahu, nói dù chính phủ sẵn sàng đối thoại, kế hoạch cải tổ hệ thống tư pháp sẽ vẫn diễn ra theo kế hoạch. |
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.