Sau gần một tháng vừa bán xôi vừa hỏi han, thăm dò ý kiến của các tài xế, chị Vũ Thị Hoa (Thanh Oai, Hà Nội) đã chuyển nhượng nghề bán xôi cùng các khách quen cho em gái để chuyển sang bán chè thập cẩm, nước giải khát các loại. Quán chè bán dạo của chị hình thành từ đó, tính đến nay đã được gần 7 tháng.
Trước đây, chị Hoa bán xôi khúc, bánh mì ban đêm. Nhưng một lần, khách mua xôi hỏi xin nước uống vì xung quanh không có quán nước nào, chị Hoa liền nảy ra ý định bán nước dạo. “Tài xế lái taxi vào ban đêm rất mệt, hay ngủ gật nên đôi khi cần có một cốc trà đá, chè thập cẩm hay nước chanh mát để uống cho tỉnh người, giải khát”, chị Hoa chia sẻ.
Gọi là quán, nhưng thực chất "gia tài" của chị Hoa chỉ là chiếc thùng đựng tất cả các nguyên liệu bên trong, từ nước, các hộp chè, đến đá viên, cốc, ống hút... Ảnh: Quốc Huy. |
Với cách vừa tiếp thị vừa bán, chỉ sau hai tháng, lượng khách quen hàng đêm đặt nước của chị Hoa từ con số không đã tăng lên trên 50 khách. Hiện tại, chị Hoa đã có trên 100 khách quen mỗi đêm.
Theo chị, các tài xế taxi rất hay mua nước chanh, chè thập cẩm, chè đỗ đen vì những món đồ uống này dễ uống và có giá bình dân. Bán dạo từ 9h tối hôm trước đến 3h sáng hôm sau, mỗi buổi, chị Hoa cũng thu được số tiền kha khá. Chị cho hay, bán nước dạo, nếu muốn đông khách và giữ chân khách quen, cũng cần tính toán. "Mình phải chọn lúc tài xế taxi vừa chở khách xong, đang ngồi giải lao hoặc nghỉ thay ca mới bán được nhiều hàng", chị Hoa tiết lộ. Người bán nước dạo này cho biết thường dạo quanh các tuyến có nhiều lái xe taxi tập trung vào ban đêm như phố cổ, khu Trần Khánh Dư, đoạn giao giữa Lò Đúc với Trần Khát Chân... Vì đã có thời gian khảo sát trước, nên chị Hoa biết khá rõ thời gian biểu của các tài xế.
"Khi mọi người vừa giải lao hoặc chuẩn bị nghỉ thay ca, tôi sẽ đi dạo một vòng và mời trà chanh, chè thập cẩm để 'đánh thức' cái dạ dày đang đói meo, cổ họng đang khát nước của họ. Khi đó, tất yếu lời rao của tôi sẽ tác động đáng kể", chị Hoa chia sẻ bí kíp thu hút được lượng khách quen lên tới hơn 100 người và tiết lộ, mỗi khi đến một tụ điểm bán hàng, trong số 10 tài xế, có ít nhất 5 người sẽ mua hàng cho chị.
Những lúc đông khách, các loại đồ uống được pha chế sẵn để phục vụ khách. Ảnh: Quốc Huy. |
Quán chè dạo của chị Hoa đắt khách không chỉ nhờ việc tác động tâm lý đúng lúc, mà còn bởi mức giá phải chăng. Mỗi cốc trà chanh chỉ 8.000 đồng đến 9.000 đồng, trà đá chỉ 2.000 đồng/cốc. Chè thập cẩm, chè sâm, chè bưởi, chè thốt nốt, sa kê giá chỉ 9.000 đồng/cốc. Chị Hoa cho biết, nhiều người cứ nghĩ ban đêm phải bán hàng đắt gấp đôi, nhưng lối kinh doanh "ngược đời" rẻ bằng một nửa của chị lại khá hiệu quả. "Bán đắt chút nhưng dễ mất khách, bán rẻ sẽ có khách lâu dài, mình ăn lãi ít những được nhiều khách mua vẫn lãi hơn bán đắt để lấy lãi lớn. Ban đêm, bán đắt chẳng ai mua đâu”, chị nói kinh nghiệm.
Hơn 100 khách hàng quen mỗi đêm của quán chè dạo chị Hoa, ngoài cánh tài xế taxi, còn là các đôi uyên ương, "đồng nghiệp" bán các mặt hàng khác như xôi, bánh khúc. Tuy nhiên, nhiều nhất trong số này vẫn là những người lái xe taxi. “Mấy món đồ uống này cứ uống một hôm là hôm sau lại thích. Lâu dần thành thói quen, khách sẽ mua thường xuyên”, chị Hoa bật mí.
Anh Thành, lái xe một hãng taxi thường đậu ở khu vực Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, mức giá rẻ và đồ uống "thật" là 2 nguyên nhân khiến anh trở thành khách quen của hàng chè này. "Đồ uống không hẳn ngon nhất hay được nhiều, nhưng cách bán hàng thông minh và sự phục vụ tận tình, giá lại không 'chặt chém' là những thứ tạo nên sức hút của hàng chè dạo này", anh Thành nói.