Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo đàm phán về chi phí quân Mỹ đồn trú đổ vỡ vào ngày 19/11. Phái đoàn từ Washington đòi đồng minh trả 5 tỉ USD hỗ trợ quân đội Mỹ duy trì hiện diện trên bán đảo và đối phó những mối đe dọa từ Triều Tiên, theo Reuters.
Đàm phán đổ vỡ được xem là bất đồng công khai hiếm hoi trong 66 năm quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn. Các bên cáo buộc phía còn lại không sẵn sàng thỏa hiệp một cách công bằng và hợp lý.
"Lập trường của chúng tôi là đàm phán cần chấp nhận được cho cả hai phía, nằm trong khuôn khổ Thỏa thuận Các biện pháp Đặc biệt (SMA) như Hàn Quốc và Mỹ thống nhất trong gần 28 năm qua", Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết.
Lính thủy quân lục chiến Hàn Quốc và Mỹ trong một cuộc tập trận chung. Ảnh: AP. |
"Phía Mỹ nghĩ việc chia sẻ chi tiêu quốc phòng cần được gia tăng đáng kể bằng cách tạo nên hạng mục mới", phía Hàn Quốc tiết lộ.
Truyền thông Hàn Quốc mô tả phái đoàn hai nước rời phòng họp sau hơn 1 tiếng đàm phán, dù kế hoạch làm việc ban đầu kéo dài đến hết ngày. Người dẫn đầu đoàn đàm phán của Washington, James DeHart, tiết lộ phái đoàn Mỹ cắt ngắn thảo luận cho phía Hàn Quốc có thêm giời gian cân nhắc lại.
"Tôi hy vọng đưa ra được những đề xuất mới, cho phép cả hai tiếp tục hướng đến một thỏa thuận mà mọi người đều chấp nhận được, theo đúng tinh thần quan hệ liên minh vững mạnh của chúng ta", DeHart cho biết.
"Đáng tiếc là những đề xuất mà đội đàm phán Hàn Quốc đưa ra đã không đáp lại được yêu cầu của chúng tôi về chia sẻ gánh nặng chi phí công bằng và bình đẳng", DeHart trả lời họp báo.
Các nhà lập pháp tiết lộ Mỹ đòi Hàn Quốc đóng góp đến 5 tỷ USD/năm, gấp 5 lần con số 1.040 tỷ won (896 triệu USD) mà Seoul chấp nhận chia sẻ trong năm nay. Tổng thống Donald Trump cũng từng có lần tuyên bố hiện diện quân sự Mỹ tại Hàn Quốc và khu vực xung quanh "là hoạt động bảo vệ trị giá 5 tỷ USD".
Xe đổ bộ của thủy quân lục chiến Hàn Quốc trong đợt tập trận liên quân Mỹ - Hàn tháng 11/2018. Ảnh: AFP. |
Tổng thống Trump nhiều lần phàn nàn những đồng minh của Mỹ đóng góp quá ít cho hoạt động phòng vệ tập thể. Giới chức Washington dự kiến khởi động các đàm phán với Nhật Bản, Đức và NATO trong năm 2020 về thỏa thuận chia sẻ chi phí đồn trú. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng bóng gió đến khả năng rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên.
Chưa có quan chức nào ở Washington công khai thừa nhận thông tin này, trong khi đó Bộ Ngoại giao Hàn Quốc từ chối bình luận hạng mục bổ sung mà phía Mỹ đặt ra.
Yonhap tiết lộ Mỹ yêu cầu Hàn Quốc trả thêm chi phí lao động cho quân nhân đồn trú, các khoản hỗ trợ cho quân nhân và gia đình họ, hoạt động luân chuyển quân đến bán đảo, và chi phí huấn luyện xa bờ.
Trong các thỏa thuận trước, Hàn Quốc chỉ đóng góp cho 3 hạng mục: chi phí cho nhân sự Hàn Quốc được thuê bởi quân đội Mỹ, chi phí xây dựng công trình quân sự như các tòa nhà bên trong doanh trại, và hỗ trợ quân sự như các loại dịch vụ và nguyên vật liệu.