South China Morning Post hôm 22/12 cho hay Hàn Quốc dự kiến thành lập riêng cục chuyên trách quan hệ với Trung Quốc thuộc Bộ Ngoại giao. Thay đổi diễn ra sau khi Bắc Kinh trả đũa kinh tế Seoul vì triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ.
Tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kyu Duk đã xác nhận thông tin này và cho biết thêm rằng nhu cầu đối ngoại liên quan đến "khu vực châu Á - Thái Bình Dương" đang tăng lên nhanh chóng.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị APEC ở Papua New Guinea ngày 17/11. Ảnh: Yonhap. |
Việc thành lập bộ phận cấp cục (cấp cao nhất dưới bộ) chuyên trách Trung Quốc thể hiện nỗ lực của Seoul trong việc cải thiện quan hệ với nước láng giềng. Đây được coi là sự ưu tiên đáng kể, vì hiện nay chính sách đối ngoại với Trung Quốc vẫn được xử lý bởi 2 vụ thuộc Cục Đông Bắc Á của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc. Vụ còn lại của Cục Đông Bắc Á phụ trách quan hệ với Nhật Bản.
Trong nhiều năm qua, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc luôn thúc đẩy việc thành lập "Cục Trung Quốc" nhưng không thành công do nhân lực và ngân sách hạn chế.
Từ năm 2017, mối quan hệ giữa Seoul và Bắc Kinh trở nên căng thẳng do Hàn Quốc triển khai Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại nước này, dẫn đến việc người Trung Quốc tẩy chay các công ty Hàn Quốc.
Seoul cho rằng việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa này là cần thiết để ngăn chặn mối đe dọa từ Triều Tiên. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn luôn coi THAAD là mối đe dọa với an ninh quốc gia khi THAAD được cho có thể dò thám các hoạt động quân sự trong đất liền Trung Quốc.
Theo kế hoạch cải tổ, vụ phụ trách quan hệ với Nhật Bản sẽ nhập với vụ Ấn Độ và Australia (Nhật, Ấn, Australia và Mỹ nằm trong nhóm gọi là "Tứ giác Kim cương", được cho là muốn kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc).
Trước thay đổi này, phản ứng của Tokyo nhìn chung là tiêu cực. Một quan chức chính phủ làm việc về châu Á - Thái Bình Dương nói động thái của Seoul "gây lo lắng".
"Trọng tâm của họ hoàn toàn chuyển sang Trung Quốc, và đây không thể là tin tốt cho quan hệ Nhật - Hàn trong tương lai, đặc biệt là khi quan hệ hiện tại đang xấu đi vì tranh chấp lịch sử", vị quan chức nói.