Hôm 27/7, nhân kỷ niệm 68 năm ký thỏa thuận đình chiến kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, quân đội và Bộ Thống nhất của Hàn Quốc đã đưa đường dây nóng với Triều Tiên trở lại hoạt động sau hơn một năm bị gián đoạn.
Động thái trên diễn ra sau nhiều thư từ trao đổi giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bắt đầu từ tháng 4, Nhà Xanh cho biết.
Hãng thông tấn nhà nước KCNA của Triều Tiên đánh giá quyết định nối lại liên lạc là “bước tiến lớn trong việc xây dựng lại niềm tin vào nhau và thúc đẩy hòa giải”.
Hơn một năm cắt liên lạc
Trước đó, Bình Nhưỡng cắt liên lạc với Seoul vào tháng 6/2020 để trả đũa việc một số người trốn khỏi Triều Tiên sang Hàn Quốc và thả bóng bay qua biên giới để rải truyền đơn phản đối.
Dưới chỉ đạo của em gái ông Kim, Kim Yo Jong, Triều Tiên đánh sập văn phòng liên lạc với Hàn Quốc tại thị trấn gần biên giới Kaesong. Mọi kênh trao đổi chính thức từ đó đều dừng hoạt động.
Khi chỉ còn ít thời gian để hiện thực hóa giấc mơ hòa giải trước thời điểm kết thúc nhiệm kỳ tổng thống vào tháng 5/2022, ông Moon đã gấp rút cố kéo hai phía sát lại gần nhau.
Triều Tiên đánh sập văn phòng liên lạc tại thị trấn Kaesong gần biên giới vào năm 2020. Ảnh: KCNA. |
Tổng thống Moon từng hy vọng có thể tận dụng Tokyo Olympic làm cơ hội để phá vỡ thế bế tắc ngoại giao và tạo ra môi trường quốc tế tích cực cho đối thoại, nhưng cuối cùng ông quyết định không tham dự lễ khai mạc sự kiện thể thao này.
Tháng 5 vừa qua, ông Moon hối thúc Tổng thống Mỹ Joe Biden tái khởi động các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Bình Nhưỡng.
Trong chuyến thăm Tokyo vào mùa thu năm 2020, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc Park Jie-won cũng từng đề xuất cuộc gặp thượng đỉnh 4 bên gồm hai nước cùng Mỹ và Nhật Bản.
Nhưng Bình Nhưỡng không hoan nghênh những động thái trên vì cho rằng Seoul đang nhún mình trước Mỹ. Tháng 3, trước việc ông Moon chỉ trích Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo, bà Kim Jo Yong đáp trả bằng cách gọi vị tổng thống Hàn Quốc là “con vẹt do Mỹ nuôi lớn”.
Sự thay đổi bất ngờ
Động thái nối lại đường dây nóng thể hiện bước ngoặt có thể liên quan tới khó khăn kinh tế mà Triều Tiên gần đây phải đối mặt, theo Nikkei Asia.
Từ năm 2020, Triều Tiên phải vật lộn với ba khó khăn: Trừng phạt kinh tế, giao thương với Trung Quốc bị ngừng do Covid-19, và thiệt hại do lũ lớn gây ra.
Trong động thái hiếm hoi, ông Kim hồi tháng 6 thừa nhận rằng tình trạng lương thực của đất nước đang “căng thẳng”, theo KCNA.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bắt tay lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong chuyến đi của ông Moon tới Bình Nhưỡng vào tháng 9/2018. Ảnh: Reuters. |
Không chỉ vậy, tin tức từ Triều Tiên cho thấy đã xảy ra hạn hán nghiêm trọng trong mùa hè năm nay. Đến giữa tháng 7, nước này mới đón lượng mưa chỉ bằng 25% mức trung bình năm. Đây là mức thấp thứ hai trong vòng 40 năm qua, KCNA ngày 26/7 đưa tin.
Giới lãnh đạo Triều Tiên sẵn sàng nối lại giao thương với Trung Quốc, nhưng con đường nối giữa hai nước vẫn đóng cửa do đại dịch và chưa thấy hồi kết.
Cuộc khủng hoảng lương thực được cho là ảnh hưởng tới khả năng lãnh đạo đất nước của ông Kim. Các nhà quan sát phỏng đoán rằng việc nhà lãnh đạo Triều Tiên sụt cân gần đây là hành động có chủ đích để xoa dịu lòng dân trước tình trạng thiếu hụt lương thực.
Bằng việc hàn gắn quan hệ với miền Nam, ông Kim “hy vọng Hàn Quốc sẽ là tiếng nói đi đầu kêu gọi dỡ bỏ lệnh trừng phạt”, Cha Du-hyeogn, viện sĩ thuộc Viện Nghiên cứu chính sách Asan tại Seoul, nhận xét.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng có thể muốn tận dụng sự rã băng trong quan hệ để thuyết phục Tổng thống Moon ngừng hoặc giảm quy mô cuộc tập trận hàng năm giữa Hàn Quốc và Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 8.