"Việc giải quyết hầu hết vấn đề đều có tiến triển, nhưng chưa một vấn đề nào được xử lý triệt để", Straits Times dẫn lời bà Patricia Espinosa, thư ký điều hành Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC), phát biểu sau vòng đàm phán hôm 9/9 ở Bangkok, Thái Lan.
Theo bà, nhiều vấn đề gây tranh cãi vẫn phải đợi các lãnh đạo quốc gia giải quyết sau đó, Straits Times đưa tin.
Thư ký điều hành Công ước khung LHQ về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) Patricia Espinosa. Ảnh: Liên Hợp Quốc. |
Theo dự kiến, hội nghị diễn ra tại thành phố Katowice, Ba Lan, vào cuối năm nay sẽ đi đến việc thống nhất bộ quy tắc nhằm thực thi Thỏa thuận Paris về chống Biến đổi khí hậu năm 2015. Sau gần 3 năm, tiến trình đàm phán để thực thi thỏa thuận này không đạt được nhiều kết quả như mong đợi.
Liên Hợp Quốc cho rằng Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu sẽ giúp những quốc gia dễ tổn thương vì vấn đề về môi trường ứng phó với các thảm họa thiên nhiên ngày càng có xu hướng gia tăng như bão, ngập lụt, hạn hán và mực nước biển dâng.
Các bên kỳ vọng cuộc đàm phán tại Bangkok sẽ kết thúc với việc đưa ra dự thảo đơn giản đối với hầu hết vấn đề. Tuy nhiên, văn bản tóm lược đàm phán dài đến hơn 300 trang.
"Chúng ta còn rất nhiều, rất nhiều chuyện cần phải giải quyết", ông Hugh Sealy, quan chức thuộc phái đoàn Barbados, quốc đảo ở vùng Caribbean, nói trong một cuộc họp.
Trong lúc các cuộc đàm phán thực thi Hiệp định Paris tiến triển chậm chạp, cả thế giới vừa trải qua mùa hè 2018 nắng nóng hoành hành và các nhà khoa học cho rằng việc này có liên quan đến biến đổi khí hậu. Ảnh: AFP. |
Tại vòng đàm phán ở Bangkok, một số quốc gia đang phát triển cáo buộc những nước lớn hơn không thực hiện đúng cam kết trợ cấp tài chính và lảng tránh việc cung cấp thông tin về nguồn tài chính trong tương lai.
Theo thỏa thuận Paris, gần 200 quốc gia cam kết giữ mức tăng nhiệt độ trung bình của Trái Đất ở khoảng dưới 2 độ C, nhắm đến mục tiêu 1,5 độ. Hiệp ước này cho phép các quốc gia đưa ra cam kết hành động dựa trên tình hình cụ thể ở mỗi nước.
Thỏa thuận Paris đặt mục tiêu các quốc gia phát triển phải huy động được 100 tỷ USD từ năm 2020 đến 2025 để giúp những nước nghèo đối phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế thân thiện với môi trường.