Trung Quốc xóa sổ hàng trăm dự án thủy điện nhỏ, tha cho các đập lớn
Thứ bảy, 1/9/2018 06:21 (GMT+7)
06:21 1/9/2018
Trung Quốc đang đóng cửa hàng trăm đập thủy điện nhỏ. Tuy nhiên, chiến dịch này vấp phải chỉ trích vì không hề động đến các đập lớn, thủ phạm chính tàn phá môi trường nặng nề.
Theo Reuters, tại một ngôi làng trên núi thuộc tỉnh Tứ Xuyên, chính quyền Trung Quốc đã phá bỏ 7 dự án đập thủy điện nhỏ trong năm nay. Động thái nằm trong chương trình toàn quốc đóng cửa hàng trăm đập nhỏ, xuống cấp và chỉnh đốn ngành thủy điện sau nhiều năm xây dựng tràn lan, thiếu kiểm soát.
Các đập thủy điện bị dỡ bỏ nằm trên một nhánh của dòng sông Dadu đổ về Trường Giang, con sông dài và lớn nhất châu Á. Chính phủ cho rằng “sự phát triển bất thường” của hàng nghìn dự án thủy điện nhỏ đã phá vỡ hệ sinh thái khu vực. Tuy nhiên, theo các tổ chức bảo vệ môi trường, chiến dịch chưa chắc sẽ mang lại hiệu quả bởi các đập thủy điện lớn của nhà nước sẽ không bị ảnh hưởng dù chúng mới chính là "thủ phạm" gây ra hầu hết thiệt hại. Họ lấy ví dụ cả một thị trấn hoặc hệ sinh thái có thể ngập trong nước, làm tăng nguy cơ động đất, sạt lở và thậm chí là biến đổi khí hậu.
Tại nhánh sông Zhougong, nông dân Zhang, 70 tuổi, nói rằng những đập thủy điện lớn đã tàn phá hệ sinh thái. Zhang tự gọi mình là “người di cư thủy điện” sau khi đất của ông bị các đập lớn làm ngập 10 năm trước. Ông cho biết sự thay đổi nhiệt độ và dòng chảy của sông Zhougong gây thiệt hại lớn cho những loài cá địa phương. Trong đó, loài cá yêu thích của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, một người quê Tứ Xuyên, đã biến mất hoàn toàn.
“Cá ở đây giờ có vị kinh khủng, chỉ để cho chó ăn”, Zhang nói, chỉ vào 3 con cá chép bạc ông bắt được sau khi chúng bị cuốn theo dòng lũ đổ về từ hồ chứa thượng nguồn. Đối với nông dân như Zhang, các đập thủy điện lớn vắt kiệt sức sống của Zhougong, con sông mà người dân sống dựa vào trong nhiều thập niên qua. “Hàng chục nghìn người mưu sinh tại đây nhưng họ sẽ sớm không thể sống như vậy nữa", ông nói.
Cách đây 20 năm, Trung Quốc ồ ạt xây dựng đập thủy điện trong nỗ lực phát triển công nghiệp và đưa điện về vùng nông thôn nghèo không kết nối được với lưới điện quốc gia.
Giới đầu tư nhanh chóng đổ xô vào các dự án. Các nhà môi trường học so sánh làn sóng này giống như phong trào xây lò nấu thép trong chương trình Đại Nhảy Vọt chết yểu năm 1958. Chương trình này chủ trương công nghiệp hóa nhưng lại gây ra nạn đói tràn lan khi nông dân tập trung sản xuất kim loại thay vì lương thực. Trong ảnh, công nhân cắt ống thép kiểm soát dòng chảy sông Zhougong.
“Thủy điện lúc đó là một giải pháp tốt, nhưng nó trở thành phong trào quá đà và chúng ta bị mất kiểm soát”, Chen Guojie, chuyên gia thủy điện tại Viện Khoa học Trung Quốc ở Thành Đô, cho biết. Giờ Bắc Kinh tỏ ý muốn đảo ngược tiến trình, quan tâm hơn đến môi trường. Họ đứng trước việc quyết định bao nhiêu dự án nhỏ, đóng góp khoảng 100 GW cho đất nước, sẽ bị đóng cửa, cùng lúc đó bảo vệ những khoản đầu tư lớn của nhà nước. Trong ảnh, phòng quản lý tại một trong những nhà máy điện nhỏ trên một nhánh sông Dadu.
Tứ Xuyên là ví dụ điển hình cho tình trạng thiếu quy hoạch. Năm 2017, tổng sản lượng thủy điện của tỉnh này đạt 75 GW, nhiều hơn tổng sản lượng của hầu hết quốc gia châu Á và gấp 2 lần công suất lưới điện tỉnh. Điều này phản ánh tình trạng lãng phí lớn. Cuối tháng 6, sản lượng thủy điện của Trung Quốc là khoảng 340 GW, trong đó 1/3 được cho là xuất phát từ các dự án thủy điện nhỏ dưới 50 MW. Cả nước sản xuất được 1.740 GW điện, gồm cả lượng điện từ các nhà máy điện hạt nhân và nhà máy nhiệt điện than.
Hồi tháng 6, kiểm toán nhà nước xác định 24.100 dự án thủy điện nhỏ tại 11 khu vực dọc sông Trường Giang và cho biết chi phí bảo vệ môi trường cho một số nhà máy quá cao dù chúng “có đóng góp mang tầm lịch sử” vào sự phát triển đất nước. Một tháng sau, Bắc Kinh yêu cầu khu vực này cấm xây dựng nhà máy thủy điện mới và “nắn chỉnh” một số dự án trái phép. Dù vậy, chưa rõ bao nhiêu dự án bị buộc ngừng hoạt động.
“Không có bất kỳ quy chuẩn thống nhất nào. Chúng ta vẫn chưa biết dự án nào bị phá bỏ, dự án nào được giữ lại”, Yang Yong, chủ tịch Hội Nghiên cứu Núi Hengduan, một tổ chức bảo vệ môi trường, cho biết. Hồi đầu năm, Bộ Môi trường cũng đã chỉ trích "sự phát triển quá mức" của đập thủy điện trên dòng Zhougong. Những đập bị đóng cửa thường là những dự án xây dựng trái phép trong khu bảo tồn hoặc xâm lấn “lằn ranh sinh thái đỏ” được vạch ra để bảo đảm an toàn sinh thái. Trong ảnh, biển hiệu của một cơ sở nhân giống cá đổ nát gần đập thủy điện.
Tuy nhiên, dọc sông còn có tới 10 nhà máy thuộc quản lý của doanh nghiệp nhà nước, gồm Tập đoàn Hoa Điện, Quốc Điện và Tổng công ty Lưới điện Quốc gia. Các cơ sở này từ lâu luôn thúc giục giới chức xử phạt nghiêm những đập thủy điện nhỏ thiếu quy hoạch, làm ảnh hưởng lợi nhuận của họ. Nhà hoạt động xã hội Yang nghi ngờ các dự án nhỏ bị đóng cửa để các đập lớn có thể vô tư tiếp cận lưới điện quốc gia. “Những đập nhỏ hợp pháp vốn có thỏa thuận đấu nối với lưới điện. Nếu họ không thể tiếp cận chỉ vì có nhiều đập lớn thì điều này thật không đúng chút nào”, Yang nói.
Việc Bắc Kinh đầu tư cho các dự án thủy điện trên sông Mekong được nhiều nước nghèo ở Đông Nam Á hoan nghênh, nhưng kèm theo đó là cái giá lớn mà môi trường và xã hội phải trả.
"Nó giống như một kiểu đầu hỏng vì bàn tay của gã thợ cắt tóc vô tâm". Đó là cách người dân mô tả về khu rừng nhiệt đới bị xâm chiếm để xây nhà máy thủy điện ở tây nam Trung Quốc.